Khám phá

Dạy thêm phải đóng thuế

Theo dự thảo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy thêm, học thêm, giáo viên trường công không được đứng ra tổ chức hoặc tham gia tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường; người dạy thêm phải đóng thuế; học sinh không học thêm quá 9 tiết/tuần…

Thay vì chỉ quy định “không được ép buộc học sinh học thêm để thu tiền”, dự thảo quy định mới ghi rõ: “Đối tượng học thêm là người học có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình người học đồng ý; tổ chức, cá nhân thực hiện dạy thêm học thêm không được ép buộc học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào”.

 

Giống như quy định cũ được ban hành năm 2007, hoạt động dạy thêm học thêm có hai hình thức tổ chức: Trong nhà trường và ngoài nhà trường. Tuy nhiên, các quy định xung quanh hai hình thức này được bổ sung nhiều chi tiết mới. Về dạy thêm trong nhà trường, không chấp nhận việc tổ chức lớp dạy thêm theo các lớp học chính khoá. Thay vào đó, căn cứ vào đơn xin học thêm của học sinh, trường tổ chức phân loại học sinh theo học lực và tổ chức dạy thêm theo nhóm trình độ học sinh.

 

Với hình thức dạy thêm ngoài nhà trường, trước khi tổ chức dạy thêm, đơn vị/cá nhân đứng ra tổ chức dạy thêm phải thông báo công khai trên phương tiện thông tin công cộng của địa phương (xã, phường, thị trấn) và tại địa điểm dạy thêm các thông tin như giấy phép tổ chức dạy thêm, danh sách người dạy/người học, nội dung chương trình dạy, mức thu tiền…

 

Về các trường hợp không được dạy thêm, ngoài duy trì những quy định hiện hành như không được dạy thêm học sinh được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, không dạy thêm cho học sinh tiểu học (trừ một số trường hợp đặc biệt), dự thảo bổ sung nội dung: Giáo viên thuộc các cơ sở giáo dục đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được đứng ra tổ chức hoặc tham gia tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường.

 

Dạy thêm phải đóng thuế

 

Lần đầu tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cập quy định về thu và quản lý tiền học thêm, trong đó có nội dung liên quan nghĩa vụ tài chính của giáo viên dạy thêm. Theo đó, tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức hoặc tham gia dạy thêm có trách nhiệm thực hiện các quy định hiện hành về quản lý tài chính và chính sách thuế.

 

Dự thảo không đưa ra mức thu tiền học thêm cụ thể, mà chỉ yêu cầu việc thu dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa người học hoặc cha mẹ họ với nơi đứng ra tổ chức học thêm. Tuy nhiên, với hoạt động dạy thêm trong nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm phối hợp Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tham mưu với Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh xây dựng văn bản hướng dẫn về sử dụng, quản lý tiền học thêm trong nhà trường.

 

Không học thêm quá 9 tiết/tuần

 

Thời lượng dạy thêm cũng là một nội dung lần đầu tiên được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cập. Theo đó, hoạt động dạy thêm, học thêm dù trong hay ngoài nhà trường cũng đều phải tuân thủ nguyên tắc không dạy thêm quá số tiết quy định đối với một học sinh từng cấp học.

 

Với học sinh cấp tiểu học, việc dạy thêm, tức là phụ đạo cho những học sinh học lực yếu kém, bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống không được quá 2 buổi/tuần, mỗi buổi không quá ba tiết, thời lượng mỗi tiết học không quá 35 phút.

 

Với học sinh cấp THCS và THPT, trong một tuần, không được dạy thêm quá ba buổi, mỗi buổi không quá ba tiết, thời lượng mỗi tiết học là 45 phút. Dự thảo cũng quy định sĩ số mỗi lớp học thêm không được quá 35 học sinh (với tiểu học) hoặc 45 học sinh (với THCS và THPT).

 

Quy định về cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm cũng lần đầu được nêu ra chi tiết trong dự thảo. Phòng học phải đảm bảo diện tích trung bình tối thiểu 1,1m2/học sinh, được thông gió và chiếu sáng tự nhiên hoặc nhân tạo; kích thước bàn ghế phải theo quy định; có bảng chống loá, địa điểm tổ chức dạy học phải đảm bảo an toàn cho người dạy, người học...

 

Theo TPO

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo