ĐBQH rưng rưng nói về hậu quả thủy điện xả lũ
Diễn ra trong bối cảnh miền Trung đang vật lộn với cảnh lũ chồng lũ, người dân chìm trong tang thương, mất mát, phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội sáng qua (19/11) đặc biệt nóng bỏng với vấn đề thủy điện xả lũ, gây thiệt hại cho dân.
Rưng rưng phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) xúc động nói: “Ngay giờ phút này, bà con các tỉnh Nam Trung Bộ đang khốn khổ vì lũ lụt. Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương đã rất tích cực chỉ đạo phòng chống bão lụt. Thủ tướng Chính phủ đã cử hai Phó thủ tướng trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống lũ lụt. Thế nhưng, miền Trung năm nào cũng gặp lũ. Cần phải có biện pháp căn cơ, nếu không, thiệt hại năm nay vừa khắc phục, thì năm sau lại xảy ra”.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung - Tây Nguyên, tính đến ngày 19/11, đợt mưa lũ lớn sau cơn bão số 15 đã khiến hàng ngàn ngôi nhà bị đổ sập, trôi, hư hỏng; hơn 425.000 ngôi nhà bị ngập, tài sản người dân bị thiệt hại chưa tính nổi. Đau thương nhất là cơn lũ này đã cướp đi sinh mạng hơn 40 người dân.
Người dân các địa phương khẳng định, lũ lớn là do thủy điện xả lũ, song cả các nhà máy thủy điện và Bộ Công thương đều phủ nhận trách nhiệm và cho biết, không có nhiều nhà máy thủy điện xả lũ.
“Vấn đề này, tôi đề nghị phải điều tra, xử lý hình sự. Phải xử lý thật nghiêm một số trường hợp để răn đe. Không thể để người dân thiệt hại về cả tính mạng, của cải mà không ai bị xử lý”, kiến nghị này của đại biểu Nguyễn Văn Phúc đã nhận được sự đồng tình của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) khi thẳng thắn cho rằng, thủy điện thời gian qua còn quá coi nhẹ sinh mạng người dân.
Bức xúc trước tình trạng buông lỏng quản lý thủy điện, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, phải làm rõ trách nhiệm của Bộ Công thương. Được biết, do đi công tác nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Công thương “nhường” trách nhiệm trả lời chất vấn cho Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Tuy nhiên, trước đó, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của Bộ Công thương về vấn đề quy hoạch thủy điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, quy hoạch thủy điện trải qua nhiều thời kỳ là quy hoạch chung của cả nước, chứ không phải quy hoạch riêng của Chính phủ hay Bộ Công thương. Và rằng, từ năm 2006 trở lại đây, theo phân cấp thì tất cả quy hoạch thủy điện nhỏ đều giao về cho các địa phương phê duyệt.
Phần trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khiến nhiều đại biểu Quốc hội bức xúc. Bởi trên thực tế, nếu chưa có sự đồng thuận của Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), không địa phương nào dám ký quy hoạch thủy điện.
Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM) khẳng định, lũ lụt ở miền Trung thời gian qua là do hậu quả của việc buông lỏng trong quản lý thủy điện, mà người chịu trách nhiệm chính là Bộ Công thương, chứ không phải là địa phương hay các bộ, ngành khác.
Trong khi các bộ, ngành đùn đẩy trách nhiệm, thì các giải pháp khắc phục và phòng chống hậu quả của bão lũ lại khá chậm trễ. “Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nói đang thực hiện Đề án Xây dựng nhà tránh lũ cho 40.000 hộ nghèo. Thế nhưng, các huyện, địa phương lại cho hay, nhà tránh lũ đã được thiết kế, nhưng chưa có vốn để triển khai. Tôi đề nghị, Chính phủ, Quốc hội cần nhanh chóng bố trí vốn cho chương trình này”, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) kiến nghị.
Về chính sách di dân, ổn định cuộc sống cho người nghèo vùng thủy điện cũng được các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ đã phối hợp với Bộ Công thương tiến hành khảo sát, rà soát công tác di dân, tái định cơ các công trình thủy điện và đã có báo cáo gửi các ủy ban của Quốc hội.
Trên cơ sở khảo sát này, Bộ cũng đang trình Chính phủ các giải pháp, chính sách ổn định đời sống người dân tái định cư (dự kiến ban hành tháng 12 tới).
Báo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo