Tin tức - Sự kiện

Để có "cần câu cơm", chỉ học sách giáo khoa hay phải học thêm?

Từ triết lý tinh giản, thiết thực, hiện đại và sáng tạo, chương trình môn Toán được thiết kế để tăng khả năng giải quyết vấn đề của người học và nó như "cần câu cơm". Vậy có phải học thêm?

Hội thảo Toán học không xa cách thuộc khuôn khổ Ngày hội Toán học mở 2017 do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán tổ chức ngày 13/8 ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Tại đây, GS Đỗ Đức Thái, chủ biên chương trình môn Toán trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã chia sẻ những thay đổi của môn học này.

Thay đổi lớn nhất của giáo dục Toán học trong chương trình mới là hướng đến sự mưu sinh của mỗi con người. "Toán học như chiếc cần câu cơm để mỗi con người tìm ra hướng mưu sinh trong cuộc đời mình", ông Thái nói. Với đích đến đó và dựa trên 4 triết lý là tinh giản, thiết thực, hiện đại và sáng tạo, nội dung môn Toán được xây dựng để tăng tính sáng tạo, tăng năng lực và khả năng giải quyết vấn đề của người học lên. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhất trong khởi nghiệp, gắn với mọi công việc tương lai của mỗi người. 

GS Đỗ Đức Thái, chủ biên chương trình môn Toán, Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể. Ảnh: Quỳnh Trang.

Trả lời câu hỏi của phụ huynh "để có được cần câu cơm, học sinh chỉ học chương trình sách giáo khoa hay phải học thêm", GS Thái khẳng định, nếu giáo viên làm tròn trách nhiệm, thực hiện đúng chương trình, học sinh sẽ đạt đến chuẩn đầu ra quy định. Chuẩn ấy sẽ là cần câu cơm hạng phổ thông cho các em. Tuy nhiên, nếu kỳ vọng hơn, muốn có được những cần câu "hạng thương gia" học sinh và gia đình sẽ phải tự giải quyết sự dư dôi giữa chuẩn quy định và chuẩn kỳ vọng, bằng những biện pháp ngoài nhà trường, có thể là học thêm. 

Tinh giản nhiều kiến thức không cần thiết

Để tạo ra năng lực sáng tạo, giải quyết vấn đề cho người học Toán, theo GS Thái, cần một không gian, thời gian vật chất nhất định để họ tự học, tự chuyển hóa kiến thức, kỹ năng thành của riêng mình. "Như thế thì phải học ít thôi. Học nhiều quá không có thời giờ để tự chuyển hóa", ông nói.

Chủ biên chương trình môn Toán mới đã rất kinh ngạc khi nhìn vào đề thi đại học có những bài giải bất phương trình, phương trình mũ logarit hay lượng giác. Ông tin rằng cuộc đời về sau của các thí sinh chẳng bao giờ dùng đến những phương trình này. Tương tự, định nghĩa về tọa độ trong sách giáo khoa lớp 10 dù đã được trình bày lại một cách dễ hiểu nhất có thể thì những người ngồi tại hội thảo vẫn ong đầu vì độ hàn lâm, khó hiểu của nó.

Ông Thái cho rằng những người thiết kế và thực hiện chương trình với nội dung cao siêu trên đã "làm đẹp" Toán học, nhưng không để làm gì. Trong khi đó, đây đáng ra phải là môn gần gũi, là phương tiện để con người ứng dụng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống thường ngày. Chương trình hiện hành do đó đã đặt vấn đề lệch lạc nên đẩy giáo dục Toán học phổ thông đi sai lệch, khiến xã hội bất bình. 

 

"Một đơn vị kiến thức đưa vào chương trình dứt khoát phải trả lời được câu hỏi nó để làm gì và nếu bỏ nó ra thì có ảnh hưởng gì không. Nếu đáp án là không thì kiến thức đó nên bỏ", chủ biên chương trình môn Toán nói. Ông hay nói đùa với đồng nghiệp cùng biên soạn chương trình mới rằng, ông đòi hỏi ăn gì phải bổ nấy. Những gì không chứng minh được là cần thiết thì nên bỏ, chứ không giữ tư tưởng để lại "không bổ dọc thì bổ ngang". Chương trình môn Toán sắp tới, với tinh thần đó, sẽ tinh giản nhiều nội dung so với hiện hành.

Cho rằng trong bối cảnh bùng nổ của thông tin, nhiều đơn vị kiến thức không cần thiết và cần được tinh giản, nhưng GS Đỗ Đức Thái cực lực phản đối Bộ Giáo dục và Đào tạo trước đây thường xuyên tinh giản chương trình môn Toán theo kiểu cơ học. Kiểu "vạc hết thịt lại vạc đến xương" làm môn học trở nên dị dạng. 

Nhiều nội dung Toán không cần thiết sẽ được tinh giản trong chương trình mới.

Đẩy kiến thức ở lớp dưới lên lớp cao hơn

GS Đỗ Đức Thái cho rằng, chương trình hiện hành được xây dựng theo tiến trình logic của phát triển Toán học, có xu hướng dồn từ lớp trên xuống lớp dưới mà lẽ ra cần ngược lại. Ông lấy ví dụ có những bài tập khó ở sách giáo khoa lớp 4 của Việt Nam, trong chương trình nước khác lại được dạy ở lớp 6-7.

"Tôi có đứa cháu, khi 12 tháng cháu phát âm tên tôi vô cùng khó khăn nhưng chỉ 2 tháng sau lại nói rất dễ dàng. Có nghĩa nhiều việc với hôm nay là khó đối với trẻ nhưng ngày mai là hiển nhiên. Vậy cái gì hiển nhiên với đứa trẻ vào ngày mai thì phải dạy ở ngày mai chứ sao lại bắt học vào hôm nay", GS Thái phân tích.

 

Môn Toán ở chương trình mới do đó được xây dựng theo nguyên tắc kiến thức của lớp 1 sẽ đẩy lên lớp 2-3 và tiếp tục như thế cho đến lớp 11 lên 12. Nội dung nào đến lớp 12 hết chỗ thì có nghĩa nó vượt khỏi chương trình phổ thông.

"Chúng ta không thể đem khoa học Toán học ép vào nhà trường phổ thông. Ngay bản thân cũng không thể đem những hiểu biết của mình để bắt sinh viên học theo được", GS Thái ví dụ.

Mở diễn đàn công khai bàn về thi Toán trắc nghiệm

Tại hội thảo, một học sinh đã hỏi GS Đỗ Đức Thái phương thức thi có thay đổi theo chương trình sắp tới? Em băn khoăn trước đích đến là chiếc cần câu cơm mà chương trình môn Toán đặt ra, liệu có thật sự câu được "cơm".

"Với tâm lý học gì thi nấy, thì chiếc cần câu của môn Toán chưa động được đến cơm ở mặt nước thì đã bị câu trúng và mắc lại với con chuồn chuồn bay tà tà mặt nước - biểu trưng cho kỳ thi", học sinh này nói. Em cho biết, sự sáng tạo trong môn Toán ở trường em được giáo viên đo bằng việc học sinh giải ra bao nhiêu bài Toán mới trong bộ đề luyện thi. 

 

GS Thái thừa nhận tâm lý học gì thi nấy là thứ đã và sẽ nghiền nát mọi cuộc cải cách giáo dục. Việc chuyển thi Toán từ tự luận sang trắc nghiệm hiện nay, chỉ là thay đổi về kỹ thuật, không giải quyết được tận gốc vấn đề. Ông và nhiều người trong Hội Toán học Việt Nam đã bàn về phương thức thi này. "Với một chương trình nặng nề chỉ hướng tới việc giải Toán mà không dạy học sinh cách học để làm gì thì việc chuyển sang thi trắc nghiệm sẽ tiếp tục là cú giáng mạnh vào chất lượng học Toán ở phổ thông", ông nói. 

Dự kiến tháng 9 tới đây, GS Đỗ Đức Thái và một số nhà Toán học sẽ mở diễn đàn công khai để bàn về những được - mất của thi Toán bằng trắc nghiệm, dựa trên những phân tích thực tiễn từ đề thi THPT quốc gia. 

"Chúng tôi sẽ lấy mã đề 101 và 102 để phân tích ở nhiều góc độ: lý luận dạy học, lý luận về đánh giá, tác động xã hội... để thấy được phương thức thi này có điểm tích cực và tiêu cực gì", ông Thái nói. Chủ biên chương trình môn Toán kỳ vọng sẽ tìm được cách thi phù hợp với đích đến mới và nhu cầu xã hội của môn học này.

Nên đọc
Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo