Để giá hàng hóa giảm cùng giá xăng?
Trong khi cơ quan quản lý lúng túng, không ai khác, chính người dân đang phải “gồng gánh” những khoản chi vô lý này.
Cho đến sáng 28-12, bước chân vào chợ, nhiều bà nội trợ vẫn không khỏi bất ngờ bởi nhiều người bán vẫn còn thái độ “vô cảm” với giá xăng. Với họ, xăng dầu tăng giảm không tác động gì đến giá hàng hóa vì không đáng bao nhiêu.
Đồng ý rằng giá cước vận chuyển chỉ chiếm một phần trong cơ cấu giá thành sản phẩm bán ra, tuy nhiên một nhà xe vận chuyển hàng từ miền Tây về TP.HCM đã tiết kiệm được 100.000-150.000 đồng/chuyến, tương tự hàng từ Đà Lạt về TP.HCM với mức giảm giá xăng dầu như hiện nay sẽ tiết kiệm được 170.000-200.000 đồng/chuyến.
Với mức giảm này chắc chắn chi phí vận chuyển từ chợ đầu mối về chợ lẻ giảm thêm 30% do giá xăng dầu giảm, vì vậy giá hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng ít nhiều cũng phải được giảm giá. Thế nhưng người bán đưa ra vô vàn lý do như yếu tố thời vụ làm giá hàng hóa tăng, sức mua yếu nên phải giữ giá để ổn định lợi nhuận...
Trước tình hình đó, Bộ Tài chính ngay lập tức ra công văn hỏa tốc đề nghị các bộ, ngành địa phương phối hợp để kiểm tra việc kê khai giá cước vận tải. Phản ứng tức thời của Bộ Tài chính được cho là phù hợp với tình hình thực tế khi phần lớn đơn vị vận tải chậm chạp trong điều chỉnh giá cước.
Tuy nhiên, công văn này mới chỉ đề nghị kiểm tra giá cước vận chuyển bằng ôtô, trong khi việc kiểm soát giá cả hàng hóa chịu tác động từ chi phí vận chuyển ngoài thị trường cũng gần như bỏ ngỏ. Đến nay mới chỉ riêng Sở Tài chính TP.HCM cho biết có phương án giảm giá hàng bình ổn từ 5-10%.
Về nguyên tắc, giá hàng hóa lưu thông trên thị trường được định đoạt bằng yếu tố cung cầu, tức là do thị trường quyết định.
Tuy nhiên trước tình hình biến động lớn như hiện nay, với vai trò quản lý của mình, các cơ quan như sở tài chính, sở công thương có đủ công cụ pháp lý như biện pháp hành chính là kiểm tra, rà soát việc niêm yết giá hàng hóa và biện pháp kinh tế là tính toán chi phí hợp lý, chi phí có lãi của người bán để có phương án kiểm soát giá cả cho phù hợp, đúng với tình hình thực tế.
Với vai trò quản lý, ngay lúc này sở công thương các địa phương cũng cần phải vào cuộc tạo môi trường cạnh tranh cho sản phẩm bằng cách kiểm tra chặt chẽ, đồng thời kích thích giá cả ở các trung tâm thương mại, siêu thị, điểm bán hàng...
Việc kiểm tra này sẽ làm giá cả hàng hóa giữa chợ, siêu thị, các điểm bán có sự chênh lệch, tạo sự cạnh tranh trong cùng một nhóm hàng. Lúc này yếu tố cạnh tranh giữa các nơi sẽ khiến người mua đưa ra quyết định cho việc mua hàng.
Với quy luật của thị trường, giá sản phẩm cùng loại nhưng chênh lệch giữa các điểm bán sẽ thu hút được người mua tìm đến chỗ giá rẻ. Đến đây, người bán phải tự động điều chỉnh giá sao cho hợp lý để vừa bán được hàng mà tránh mất khách.
Sắp điều chỉnh giá hàng hóa bình ổn
Một số doanh nghiệp có các mặt hàng trong diện bình ổn giá tại thị trường TP.HCM cho hay hiện mới tính toán phương án giảm giá.
Theo ông Nguyễn Quốc Chiến - trưởng ban vật giá Sở Tài chính TP.HCM, các đơn vị đang tính toán bắt đầu điều chỉnh từ tuần này. Nếu đơn vị nào trước đây đã điều chỉnh 5% thì sẽ điều chỉnh thêm khoảng 5%.
Giá hàng hóa điều chỉnh đợt này tùy thuộc giá xăng tác động đến cơ cấu chi phí giá thành sản phẩm như rau củ quả sẽ chịu tác động nhiều, còn gia súc, gia cầm chịu tác động ít hơn.
Ông Chiến cho biết hiện doanh nghiệp taxi và các doanh nghiệp vận tải khác đã điều chỉnh đợt 1 và tới đây sẽ điều chỉnh đợt 2.
Trong khi đó, nhiều đơn vị sản xuất cho biết vẫn chưa nhận được thông tin về việc đề nghị điều chỉnh mặt hàng bình ổn.
Đại diện Công ty Vissan và Ba Huân đều cho rằng dù chưa nhận được thông tin chính thức nhưng doanh nghiệp cũng đang tính toán phương án cho việc giảm giá.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
STARLUX mua thêm 5 máy bay vận tải A350F
Hàng Việt chiếm ưu thế trên thị trường Tết
22% trái phiếu đáo hạn trong tháng 1/2025 có nguy cơ chậm trả nợ gốc
'Bệ phóng' AI giúp doanh nghiệp tài chính ngân hàng tăng tốc
Ngành công thương Hà Nội duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ
Chống lãng phí đất đai - Bài 1: Bờ xôi ruộng mật bị bỏ hoang