Đề nghị đổi tên UBND thành uỷ ban hành chính
Theo đó, bộ Chính trị đồng ý tiếp tục cho phép TP.HCM được thực hiện thí điểm đối với những vấn đề phát sinh mà thực tiễn thành phố đặt ra trong quá trình phát triển, nhưng chưa có quy định hay những quy định hiện hành của Nhà nước không còn phù hợp; xây dựng và triển khai thực hiện thí điểm đề án tổ chức quản lý theo mô hình chính quyền đô thị... Tuy nhiên, thành phố cần xây dựng đề án, có lộ trình, bước đi, giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Trước đó, tại các buổi làm việc với các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo TP.HCM cho biết với quy mô dân số của thành phố hiện nay mà vẫn áp dụng tổ chức bộ máy, biên chế nhân sự; chức năng, nhiệm vụ và quy mô của các cơ quan chuyên môn; số lượng cán bộ công chức và những người hoạt động không chuyên trách của thành phố được áp dụng như các tỉnh… là thực sự không phù hợp.
Hậu quả chung là gây lãng phí lớn về nhân lực và thời gian, giải quyết công việc chậm trễ, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và hạn chế sự phát triển nhanh, bền vững của thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Do đó, TP.HCM cho rằng, cần phải có mô hình tổ chức bộ máy chính quyền đô thị.
Cụ thể mô hình tổ chức chính quyền đô thị được TP.HCM đề xuất: về tổ chức và hoạt động của HĐND thành phố khi không tổ chức HĐND quận, huyện, phường thì về số lượng, cơ cấu đại biểu HĐND thành phố cần được tính trên cơ sở quy mô dân số, dân tộc, tôn giáo, tình hình phát triển kinh tế xã hội… để đảm bảo tính đại diện của đại biểu.
Do đó, cần tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách ít nhất bằng 1/3 tổng số đại biểu HĐND thành phố, đảm bảo một đại biểu chuyên trách/quận, huyện để thực hiện tốt việc tiếp xúc và lắng nghe ý kiến của cử tri, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trên địa bàn (theo hướng thực quyền và có tính chuyên nghệp cao); thay thế chức danh uỷ viên thường trực HĐND thành chức danh phó chủ tịch HĐND; tăng cường vai trò, năng lực của ủy ban MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội ở quận, huyện, phường, xã, thị trấn, trong việc tham gia giám sát, phản biện đối với các hoạt động của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn…
Về tổ chức và hoạt động của UBND các cấp, TP.HCM đề nghị đổi tên UBND thành uỷ ban hành chính, hoặc thành phố vẫn giữ tên UBND thành phố còn quận, huyện, phường, xã, thị trấn đổi tên là uỷ ban hành chính. Đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu là chủ tịch uỷ ban hành chính các cấp.
Các thành viên UBND/uỷ ban hành chính thành phố do HĐND thành phố bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm; các thành viên uỷ ban hành chính quận, huyện, phường, xã, thị trấn do chủ tịch uỷ ban hành chính cấp trên trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
Về biên chế và đội ngũ cán bộ công chức, TP.HCM kiến nghị cho phép được quyết định số lượng biên chế của bộ máy các cấp và bảo đảm kinh phí trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền.
Về tài chính đô thị thành phố có thẩm quyền tạo dựng các nguồn thu mới bằng nhiều hình thức khác nhau từ các hoạt động sản xuất kinh doanh đối với đặc thù của một đô thị lớn. Về quản lý quy hoạch đô thị, thành phố có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch cục bộ trên cơ sở quy hoạch chung đã được phê duyệt…
Theo Quốc Thái (SGTT)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024