Thị trường

Đề nghị tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 thấp nhất là 14,4%

(DNVN) - Ngày 5/10, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đã ký công văn số 1567/TLĐ gửi Thủ tướng Chính phủ kính đề nghị xem xét điều chỉnh mức tăng tiền lương tối thiểu 2016 thấp nhất là 14,4% tương đương mức tăng năm 2015.

Tại công văn, Tổng LĐLĐVN đã đưa ra những lý do để đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức tăng tiền lương tối thiểu 2016 thấp nhất là 14,4% tương đương mức tăng năm 2015.

Theo đó, Tổng LĐLĐVN cho biết, tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm 2015 đã khởi sắc, các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội đã có sự tăng trưởng cao, GDP đạt 6,5%. Dự dự báo kinh tế xă hội 2016 có nhiều triển vọng và thuận lợi hơn năm 2015 mức tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,8%. Kinh tế tăng trưởng và phát triển cao hơn, nhưng tiền lương tối thiểu điều chỉnh tăng thấp hơn là hoàn toàn không hợp lý và người lao động khó có thể chấp nhận. 

Tổng LĐLĐVN kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh mức tăng tiền lương tối thiểu 2016 thấp nhất là 14,4% tương đương mức tăng năm 2015.

"Năm 2013, 2014 kinh tế nước ta rất khó khăn, tăng trưởng GDP là 5,4 và 6% nhưng Chính phủ vẫn điều chỉnh lương tối thiểu tăng tương ứng là 17,3% và 15,2%. Năm 2016 kinh tế được dự báo là có nhiều triển vọng, tăng trưởng  cao hơn năm 2015 và các năm trước đó, vì vậy tiền lương tối thiểu năm 2016 cần phải điều chỉnh tăng cao hơn năm 2015, hoặc ít nhất cũng phải bằng năm 2015", công văn viết.

Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐVN cũng dẫn quy định tại Điều 91 Bộ Luật Lao động: “ Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”. Mặt khác, tại cuộc làm việc giữa Tổng Liên đoàn, Bộ Lao động và Thương binh Xã hội với Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, Bộ Lao động đã cam kết với ILO về việc thực hiện đầy đủ Điều 91 Bộ Luật Lao động vào năm 2017. Do đó, Tổng Liên đoàn đề nghị điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2016 lên 14,4% để thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Lao động và thực hiện lộ trình đến 2017 tiền lương tối  thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu và cũng là bước chuẩn bị cho việc thực hiện Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội vào năm 2018. 

Tổng LĐLĐVN cũng cho rằng, đời sống công nhân lao động còn nhiều khó khăn, theo điều tra của Tổng Liên đoàn, có 19,9% NLĐ cho biết tiền lương hiện nay không đủ sống; 72% NLĐ cho biết phải chi tiêu tằn tiện và rất tiết kiệm mới đủ trang trải cho cuộc sống; chỉ có 8 % NLĐ có có tích luỹ. Điều này lý giải tại sao có 62% số lao động Việt Nam phải làm thêm giờ để có thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống, và như vậy người lao động sẽ không có thời gian để tham gia các hoạt động văn hóa, học hành, nâng cao trình độ theo tinh thần Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng Giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH đất nước.

"Về khả năng chi trả của doanh nghiệp. Hiện nay trong thực tế doanh nghiệp đã chi trả cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng từ 20-40%. Qua báo cáo của các cơ quan thuế cho biết, chi phí tiền lương hợp lý để xác định tính thuế thu nhập doanh nghiệp thì tiền lương thực chi cho người lao động đã cao hơn 1,5 lần tiền lương tối thiểu", văn bản của Tổng LĐLĐVN nêu rõ.

Có ý kiến cho rằng, do năng suất lao động của nước ta còn thấp, nên mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu cũng phải thấp tương ứng. Tổng LĐLĐVN cho rằng, ý kiến như trên là chưa đầy đủ, vì năng xuất lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng là tŕnh độ công  nghệ và quản trị doanh nghiệp. 

 

Thực tế cho thấy hầu hết các doanh nghiệp không đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị; sử dụng công nghệ lạc hậu; quản trị doanh nghiệp không hiệu quả, bộ máy nhân sự cồng kềnh dẫn đến năng suất lao động thấp. Yếu tố lao động cũng có vai trò quan trọng để nâng cao năng xuất lao động. Tuy nhiên một khi tiền lương tối thiểu chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu thì rất khó có thể yêu cầu người lao động làm việc với năng xuất cao và chất lượng tốt.

Trước đó, ngày 3/9, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã công bố mức lương tối thiểu vùng năm 2016 đã được thống nhất là tăng 12,4%, tương đương với mức tăng 250.000-400.000 đồng, tùy từng vùng.

Như vậy, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 của Hội đồng tiền lương Quốc gia trình Chính phủ theo các vùng là: Vùng 1 có mức lương 3,5 triệu đồng/tháng, tăng 400.000 đồng (12,9%) so với năm 2015. Vùng 2, đạt 3,1 triệu đồng/tháng, tăng 350.000 đồng (tăng 12,7%). Vùng 3 đạt 2,7 triệu đồng/tháng, tăng 300.000 đồng(12,5%); vùng 4 có mức lương 2,4 triệu đồng/tháng, tăng 250.000 đồng (11,6%). Với mức tăng này sẽ đáp ứng khoảng trên 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo