Tin tức - Sự kiện

Đề xuất bỏ đơn yêu cầu thi hành án

Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có ý kiến cho rằng việc dân sự cốt ở hai bên, chỉ yêu cầu Nhà nước can thiệp khi nào các bên không tự giải quyết được với nhau.

 Ngày 3-11, Quốc hội (QH) thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án (THA) dân sự. Trong khi Ủy ban Thường vụ QH vẫn giữ quan điểm người được THA phải làm đơn yêu cầu THA thì nhiều đại biểu (ĐB) lại đề xuất bỏ.

Việc dân sự cốt ở đôi bên?
 
ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) cho rằng bản án, quyết định của tòa có hiệu lực, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp người phải THA không chấp hành thì cơ quan có thẩm quyền phải chủ động sử dụng quyền lực nhà nước tổ chức thi hành bản án, quyết định của tòa. Nếu người được THA không mong muốn THA hoặc chỉ yêu cầu thi hành một phần… bản án, quyết định của tòa thì mới phải làm đơn gửi cơ quan THA.
 
Đồng tình, ĐB Hồ Văn Năm (Đồng Nai) cho rằng nếu luật sửa đổi theo hướng này sẽ rút ngắn được thời gian THA, đồng thời tránh được tình trạng đã có án nhưng lại chậm đưa ra thi hành.
 
ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) cho rằng bản án, quyết định của tòa có hiệu lực, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành. Ảnh: TTXVN
 
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Dương Ngọc Ngưu (Điện Biên) lại tán thành việc các đương sự cần phải có đơn THA. “Đối với công tác THA dân sự, phải đáp ứng nguyên tắc là tự định đoạt, tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận…” - ông Ngưu nói.
 
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng giải quyết vấn đề dân sự cốt ở hai bên. Đây là nguyên tắc rất cơ bản và xuyên suốt trong pháp luật dân sự của Việt Nam cũng như tất cả các nước trên thế giới. “Chỉ yêu cầu Nhà nước can thiệp khi nào các bên không tự giải quyết được với nhau” - ông Cường nhấn mạnh.
 
Nên bỏ tiền án phí hình sự?
 
Cũng trong buổi thảo luận, ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đề nghị QH bỏ Điều 61 quy định điều kiện miễn, giảm phí THA đối với khoản thu cho ngân sách nhà nước vì quy định này không giải quyết được tận gốc lý do làm lượng án tồn đọng. “Đề nghị QH sớm sửa ngay các quy định của pháp luật hình sự, bỏ tiền án phí hình sự, bỏ tiền phạt các vụ án ma túy” - ông Thường nói.
 
ĐB Thường phân tích ba lý do để bỏ án phí hình sự:
 
Thứ nhất, án phí hình sự là bất hợp lý, là không phù hợp vì xác định tội phạm là trách nhiệm của Nhà nước. Mặt khác, với 50.000 đồng đối với một bị án thì liệu số tiền trên có bù đắp được chi phí của Nhà nước đã bỏ ra cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, THA hay không?
 
Thứ hai, theo báo cáo của cơ quan THA dân sự, số việc tồn đọng hiện nay chủ yếu là án phí và tiền phạt thu cho ngân sách nhà nước. Thực tế số tiền án phí rất ít, cưỡng chế THA lại không đáng. Vì vậy, các cơ quan THA đành phải tuân thủ theo quy định, thụ lý rồi tiến hành xác minh một năm hai lần để rồi khi đủ thời gian quy định là xét miễn, giảm. Có trường hợp cán bộ THA đã bỏ tiền túi nộp thay cho bị cáo để hoàn thành chỉ tiêu…
 
Thứ ba, bỏ án phí hình sự, tức là bỏ một khoản thu rất nhỏ có thể thu được nhưng lại giảm đáng kể lượng việc phải giải quyết, lượng việc tồn…
 
Theo Pháp luật TP.HCM
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo