Đề xuất cơ chế huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển TP. Đà Nẵng
Tại dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế ưu đãi đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng, UBND thành phố Đà Nẵng đã đề xuất cơ chế huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển cho thành phố này.
Cụ thể, UBND thành phố Đà Nẵng đề xuất thành phố Đà Nẵng được tổ chức huy động vốn đầu tư trong nước thông qua hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các hình thức huy động khác. Tổng nguồn vốn huy động không vượt quá 150% tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách địa phương theo dự toán được Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định hàng năm.
UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đề xuất được huy động mức cố định là 150%, với các lý do sau: Thứ nhất, theo Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), thì mức huy động của thành phố Đà Nẵng sẽ là 100% tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Do đó, sau khi Luật này có hiệu lực thì mức huy động 100% sẽ không còn là ưu đãi đặc thù đối với Đà Nẵng. Thứ hai, kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) “Cho phép huy động vốn đầu tư hàng năm cao hơn tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách thành phố”. Thứ ba, nhu cầu huy động vốn của Đà Nẵng để đầu tư là rất lớn và Đà Nẵng cũng là địa phương sử dụng có hiệu quả nguồn vốn huy động.
Theo dự thảo, Chính phủ ưu tiên bố trí vốn ưu đãi từ nguồn ngân sách Trung ương để tham gia thực hiện các dự án PPP (dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (Thành phố).
Đồng thời, Chính phủ ưu tiên bố trí bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố đối với các dự án đã được nêu trong Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), Thông báo kết luận số 166-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X), Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và các kết luận của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng; bố trí vốn theo phân kỳ đầu tư để triển khai các dự án mang tính động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và của khu vực miền Trung - Tây nguyên.
Ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách Thành phố để thực hiện các dự án đã được phê duyệt tại Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó tập trung cho: Dự án đầu tư Trung tâm nghề cá Đà Nẵng gắn với ngư trường trọng điểm biển Đông và Hoàng Sa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang thành cảng cá loại 1 cấp quốc gia; Dự án đầu tư Khu trú bão và neo đậu tàu thuyền công suất 600CV trở lên và các dự án đầu tư xây dựng đê, kè vùng biển và cửa biển theo Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg ngày 14/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình đầu tư, củng cố bảo vệ đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam.
Bên cạnh đó, thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí cho ngư dân đóng mới tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên để khai thác hải sản xa bờ và dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngân sách Trung ương hỗ trợ cho ngân sách Thành phố 50% số kinh phí thực hiện. Những đối tượng thực hiện vay vốn ngân hàng để đóng mới tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP sẽ không thuộc đối tượng hỗ trợ theo quy định này.
Bố trí và tiếp nhận nguồn vốn ODA và vốn vay nước ngoài
Tại dự thảo, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đề xuất ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) theo cơ chế cấp phát 100% đối với những dự án đầu tư hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố do UBND thành phố Đà Nẵng là cơ quan chủ quản. Việc bố trí vốn đối ứng trong nước cho các dự án này do ngân sách Thành phố đảm bảo.
UBND Thành phố được phê duyệt danh mục dự án, quyết định tiếp nhận các khoản viện trợ ODA không hoàn lại thông thường, viện trợ không hoàn lại để thực hiện các dự án PPP và các Hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị chương trình dự án không phụ thuộc vào quy mô viện trợ; riêng đối với các khoản viện trợ có liên quan đến tôn giáo, quốc phòng, an ninh, phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Chủ tịch UBND Thành phố chịu trách nhiệm về việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng có hiệu quả các khoản viện trợ này, thực hiện chế độ hạch toán, quyết toán theo đúng quy định của pháp luật; hàng năm, báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư để theo dõi, giám sát và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo dự thảo, sẽ ban hành chính sách ưu đãi cao nhất về huy động vốn đầu tư xây dựng, đất đai, thuế và các ưu đãi khác nhằm thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và UBND thành phố Đà Nẵng xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Theo Chinhphu.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo