Đề xuất “điểm danh” Đại biểu Quốc hội
Trước thực trạng nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vắng mặt tại các phiên thảo luận, tại Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng nay (23/12), Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề xuất sử dụng thiết bị điện tử để “điểm danh”.
“Có cử tri nhắn tin vào điện thoại của tôi phàn nàn về việc ĐBQH vắng mặt tại các buổi thảo luận nhiều quá. Tôi trả lời rằng, những ghế trống trong hội trường đều là khách mời chứ không phải là ĐBQH. Vì là khách mời, nên khi có việc bận họ không đến”, bà Ngân nói.
Tuy nhiên, sáng nay, khi cho ý kiến vào Báo cáo Đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 6, bà Ngân cũng phải thừa nhận rằng, trên thực tế, có không ít phiên họp số ĐBQH vắng mặt quá nhiều.
Sự việc này cũng được ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh xác nhận: “Có không ít phiên họp, có những đoàn chỉ còn 1-2 đại biểu “ngồi trơ trọi”, ghế trống quá nhiều”.
“Cử tri theo dõi rất chặt chẽ hoạt động của Quốc hội và hoạt động của các vị đại biểu do mình bầu ra. Vì vậy, để giảm tình trạng “trốn họp”, cũng nên nghiên cứu sử dụng thiết bị điện tử để điểm danh theo hướng, ngồi trên bàn chủ tọa, lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan chuyên môn có thể biết hôm nay đại biểu nào vắng mặt, đại biểu nào vắng mặt có lý do, đại biểu nào vắng mặt không có lý do, đại biểu nào vắng mặt có lý do nhưng không chính đáng và cuối kỳ tổng hợp xem tổng số có bao nhiêu đại biểu vắng mặt, vắng mặt bao nhiêu buổi”, bà Ngân đề xuất.
Trong cuộc Hội thảo về Quan hệ giữa báo chí với hoạt động Quốc hội mới được Văn phòng Quốc hội tổ chức, ông Đồng Hữu Mạo, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất, Quốc hội cần cho phép phóng viên của đài phát thanh - truyền hình địa phương đến tác nghiệp tại Quốc hội trong mỗi kỳ họp để đưa lên chương trình phát thanh - truyền hình địa phương về hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội, tạo điều kiện cho người dân giám sát xem các vị đại biểu do địa phương mình bầu ra đã làm những gì tại mỗi kỳ họp Quốc hội.
Ông Mạo cho rằng, mở “rộng cửa” với báo chí chính là kênh thông tin hữu hiệu giúp cử tri giám sát xem có đại biểu nào vắng mặt hoặc có mặt nhưng rất ít khi đóng góp ý kiến tại mỗi phiên thảo luận. Qua đó, cử tri sẽ có chính kiến khi đi bầu vị nào xứng đáng làm đại diện cho mình hơn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa sau.
Không chỉ có cử tri, mà theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, dư luận trong và ngoài nước cũng theo dõi rất chặt chẽ hoạt động của Quốc hội Việt Nam. Bằng chứng là, trước đây dư luận thường cho rằng, ĐBQH là “nghị gật”, nhưng mấy năm gần đây từ “nghị gật” không còn nữa vì Quốc hội, ĐBQH đã thực hiện tốt hơn vai trò xây dựng luật, nghị quyết, thông qua các hoạt động chất vấn, giám sát.
“Chỉ qua một lần thực hiện giám sát về quy hoạch thủy điện, chúng ta đã loại ra khỏi quy hoạch thủy điện hơn 420 dự án có hiệu quả kinh tế thấp, tiềm ẩn khả năng tác động tiêu cực đến môi trường - xã hội, ảnh hưởng đến quy hoạch, dự án ưu tiên khác được cử tri và dư luận rất hoan nghênh. Điều này đã phản ánh đúng nhận định của cư tri và dư luận là ĐBQH không còn là… “nghị gật” nữa”, bà Ngân dẫn chứng.
Là người đứng đầu Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng bày tỏ sự không hài lòng trước việc ĐBQH vắng mặt trong các kỳ họp Quốc hội và thường “trốn” thảo luận tại tổ, thảo luận tại hội trường những phiên không phát thanh - truyền hình trực tiếp.
“Ngay như Phiên họp Thường vụ Quốc hội hôm nay, đồng chí Hằng (ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại) và đồng chí Hiền (ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng Ban Dân nguyện - người vừa được Quốc hội bầu bổ sung vào Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6) cũng vắng mặt. Hai đồng chí này vắng mặt nhưng cũng không cử cấp phó đi họp thay chứng tỏ Ủy ban Đối ngoại và Ban Dân nguyện không quan tâm, không tiếp thu, không có ý kiến gì với nội dung làm việc hôm nay”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng giao Ban Công tác đại biểu gửi tới các ĐBQH về việc cử tri, dư luận không hài lòng trước việc một số đại biểu thường xuyên vắng mặt trong các kỳ họp Quốc hội.
“Tham dự các phiên họp của Quốc hội là trách nhiệm của tất cả ĐBQH, từ Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo các ủy ban đến đại biểu chuyên trách và không chuyên trách ở địa phương. Vì vậy, các vị phải thực hiện hết trách nhiệm của mình với cử tri đã bầu mình vào cơ quan quyền lực cao nhất cả nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trừ trường hợp đặc biệt, thời gian họp Quốc hội đã được ấn định là khai mạc vào ngày 20/5 và 20/10 hàng năm. Vì vậy, để chấn chỉnh tình trạng trên, theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, trong thời gian Quốc hội họp dứt khoát các vị dân cử không được đi học tập, công tác nước ngoài, trừ trường hợp đặc biệt không thể không đi.
“Cần phải chấm dứt ngay tình trạng, có vị đại biểu cứ “nhè” thời gian Quốc hội họp là đi công tác, học tập nước ngoài”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kết luận.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024