Đề xuất tăng lương cơ sở thêm 7% lên mức 1,3 triệu đồng/tháng
Sáng nay 17/10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến đối với các báo cáo của Chính phủ gồm: Báo cáo về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2016; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017; Kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015); Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Theo Công thông tin điện tử Chính phủ, báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2016 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 của Chính phủ cho biết, chỉ tiêu GDP năm nay được Quốc hội thông qua là 6,7%, tuy nhiên mức thực hiện thực tế sẽ thấp hơn, GDP chỉ có thể đạt 6,3-6,5%. Để đạt được mức tăng này, tăng trưởng kinh tế quý IV phải cao hơn nhiều các quý trước.
Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế nhất trí với đánh giá của Chính phủ về việc bảo đảm mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết một số ý kiến trong Ủy ban đánh giá việc không đạt chỉ tiêu tăng trưởng sẽ làm giảm số GDP tuyệt đối dự kiến từ 5,1 triệu tỷ đồng xuống khoảng 4,6 triệu tỷ đồng, dẫn đến tăng tỉ lệ bội chi và nợ công so với GDP cao hơn mức đề ra, nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, cấn đối ngân sách Nhà nước khó khăn, cơ cấu thu và chi ngân sách chưa hợp lý, nợ xấu chưa được xử lý thực chất.
Do vậy cần đánh giá kỹ hơn về nhận định kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân hàng thương mại và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước phải tiếp tục được đẩy mạnh.
Về thu chi ngân sách, Chính phủ dự toán bội chi ngân sách Nhà nước năm 2017 là khoảng 3,5% GDP. Đây là mức dự toán theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015. Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, bội chi năm 2017 bao gồm cả bội chi ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, bao gồm cả trái phiếu Chính phủ nhưng không bao gồm chi trả nợ gốc.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban đánh giá, đây là mức bội chi tích cực, cần kiên định thực hiện mức bội chi này để bảo đảm các tỉ lệ nợ công trong giới hạn an toàn. Trong trường hợp thu không đạt dự toán thì phải giảm chi, không tăng bội chi ngân sách Nhà nước. Trường hợp tăng thu ngân sách Nhà nước thì ưu tiên giảm bội chi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Đây được coi là nguyên tắc quan trọng trong điều hành ngân sách Nhà nước giai đoạn ổn định ngân sách mới 2017-2020.
Về chi thường xuyên, Chính phủ đề xuất giải pháp tiết kiệm tối đa chi thường xuyên. Đề xuất này của Chính phủ cũng nhận được sự đồng tình của Ủy ban Tài chính-Ngân sách. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ rõ tiết kiệm ở từng lĩnh vực chi, khoản chi, mục chi. Một số ý kiến đề xuất cần mở rộng thêm việc áp dụng chế độ khoán xe công và một số lĩnh vực khác để tăng cường tiết kiệm, giảm áp lực chi tiêu công.
Trong điều kiện giá cả tăng cao, đời sống cán bộ, công chức gặp không ít khó khăn, một số thành viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề xuất tăng lương cơ sở thêm 7% trong năm 2017, đạt mức 1.300.000 đồng/tháng. Các thành viên này đề nghị Chính phủ cân nhắc bố trí nguồn để thực hiện đề án cải cách tiền lương. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tiền lương phải đi đôi với tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính Nhà nước, nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời phải cân nhắc, tính toán kỹ, xác định rõ nguồn thực hiện điều chỉnh lương và tính khả thi khi yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tự sắp xếp, tiết kiệm trong dự toán được giao để tạo nguồn điều chỉnh tiền lương.
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2016, tổng thu ngân sách Nhà nước ước tăng so với dự toán 2,4% (24.500 tỷ đồng). Trong đó, thu nội địa ước tăng 5,6% dự toán, thu từ dầu thô ước chỉ đạt 72,5% dự toán, thu từ xuất, nhập khẩu hụt 2,9% dự toán.
Cũng trong năm 2016, Chính phủ ước thực hiện chi ngân sách Nhà nước cả năm bằng 101,9% dự toán, tăng 24.500 tỷ đồng; số ước bội chi ngân sách Nhà nước là 254.000 tỷ đồng, bằng số Quốc hội quyết định.
Với mức bội chi này, dư nợ công là 64,98% GDP, đã sát ngưỡng 65% GDP; dư nợ Chính phủ ở mức 53,1% GDP; dư nợ nước ngoài của Quốc gia ở mức 45,7% GDP. Về vấn đề này, Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát, báo cáo đầy đủ tình hình nợ công để có những giải pháp điều hành, cân đối ngân sách Nhà nước chủ động và kịp thời. Trường hợp ngân sách Nhà nước hụt thu, đề nghị giảm nhiệm vụ chi tương ứng để giảm bội chi, bảo đảm nợ công trong giới hạn cho phép.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trước thềm cuộc bầu cử Mỹ
Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có dấu hiệu phục hồi
Giá ngoại tệ ngày 5/11/2024: Đồng USD giảm giá trước bầu cử Tổng thống Mỹ
Các giải pháp bình ổn giá tiêu dùng những tháng cuối năm
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông