Tin tức - Sự kiện

Đền bù xong, bỏ mặc dân

Báo cáo của một số quận, huyện tại TP HCM cho thấy sau khi đền bù giải tỏa xong cho người dân thì đời sống của họ gần như bị bỏ mặc, một số nơi dù nắm bắt được tình hình nhưng lại không có giải pháp tháo gỡ khó khăn

 Trong 2 ngày 17 và 18-10, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM đã làm việc với UBND một số quận, huyện để giám sát đời sống của người dân sau tái định cư (TĐC) giai đoạn 2007-1012.

Không biết dân sống ra sao

Ông Lê Văn Vân, Trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 6, cho biết thống kê từ các dự án đền bù trên địa bàn quận cho thấy có đến 70% số hộ bị giải tỏa nhận tiền tự lo nơi ở mới, chỉ 20%-30% nhận suất TĐC. Từ năm 2007-2012, số hộ được TĐC là 252. Song, đời sống của các hộ dân sau khi TĐC tại nơi ở mới, nhất là những hộ nhận tiền để tự lo liệu, gần như chính quyền quận 6 không hề có thông tin.

Chung cư An Sương, quận 12, TP HCM hiện chỉ còn khoảng 80/175 hộ tái định cư từ dự án rạch Ụ Cây, quận 8 cư ngụ. Ảnh: TẤN THẠNH

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Phó Ban Văn hóa - Xã hội, chất vấn: “Vậy quận có nắm được đời sống của người dân TĐC tại chung cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh ra sao không? Quận có mối liên lạc gì với họ không?”. Ông Vân cho biết: “Chúng tôi chỉ thấy chỗ đó khang trang hơn nơi ở cũ. Chung cư này còn rất vắng... Còn đời sống người dân như thế nào thì rất khó nắm bắt”.

Tuy không tổ chức điều tra, khảo sát một cách bài bản nhưng lãnh đạo Ủy ban MTTQ quận 6 cho biết trong số 15 dự án thực hiện giai đoạn 2007-2012, MTTQ đã tổ chức giám sát, đi thực tế để tiếp cận người dân sau khi TĐC tại 4 dự án. Người dân phản ánh quận giao đất cho họ xây nhà tại khu TĐC nhưng lại không có nước thi công, nước sạch để dùng, đèn điện cũng không.

“Người dân cho rằng điều kiện sống tại các khu TĐC tốt hơn, nhà cửa khang trang hơn nhưng điều đáng lo là việc làm không có. Nếu như trước khi giải tỏa, họ có thể bán đồ ăn, buôn bán nhỏ, bơm sửa xe... thì nay lên chung cư chỉ biết ngồi không” - đại diện MTTQ quận 6 băn khoăn.

Quay về nơi cũ

Là một trong những quận có nhiều dự án đầu tư xây dựng với số hộ bị giải tỏa thu hồi đất lớn, từ năm 2007-2012, quận 8 đã thực hiện giải phóng mặt bằng 52 dự án, bố trí người dân đến ở tại 20 khu TĐC ở các quận 4, 7, 8, 12 và huyện Bình Chánh với tổng số 844 căn hộ và 1.247 nền đất.

Theo bà Nguyễn Lê Diễm Hiền, Phó Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 8, việc giải phóng mặt bằng, di dân TĐC tạo ra sự xáo trộn nhất định cho người dân, nhất là về thu nhập, việc làm, học hành.

Ông Trần Quang Thắng, đại biểu HĐND TP HCM, cho biết mới đây, ông và một số đại biểu đi thực tế tại chung cư An Sương (quận 12) - nơi có 175 hộ bị giải tỏa của dự án rạch Ụ Cây (quận 8) về đây TĐC. Tuy nhiên, hiện ở chung cư này chỉ có 80 hộ cư ngụ, số còn lại cho thuê căn hộ rồi quay về nơi ở cũ mướn nhà làm ăn sinh sống.

“Ngoài ra, một số hộ dân không đủ điều kiện mua nhà TĐC đã thuê căn hộ 60 m2 của nhà nước với giá 1,5 triệu đồng/tháng, sau đó cho người khác thuê lại 3,5 triệu đồng. Sau đó, họ dùng tiền này quay trở về quận 8 thuê nhà buôn bán để kiếm sống. Như vậy, người dân dù có an cư cũng chưa lạc nghiệp” - ông Thắng lo lắng.

Theo ông Thắng, dù chung cư An Sương có cảnh quan đẹp nhưng lại bị ô nhiễm bởi mùi hôi thối từ nước thải do nằm gần một số lò sản xuất bún.

Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, cho rằng thời gian qua, chủ đầu tư nhiều dự án và ban bồi thường giải phóng mặt bằng đền bù cho người dân xong là xem như hết trách nhiệm. “Đã thương thì thương cho trót. Nếu chỉ lo việc đền bù, TĐC thì chưa hoàn thành trách nhiệm. Quan trọng là phải có giải pháp căn cơ hơn trong giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người bị giải tỏa” - ông Hùng nhìn nhận.

Ông Hùng cũng lưu ý nhiều người bị giải tỏa đã nhận tiền tự lo nơi ở mới nhưng không vì thế mà chính quyền hết trách nhiệm. Chính quyền phải dè chừng chính những người tự nhận tiền lo nơi ở mới sẽ hình thành những “khu ở chuột” trong tương lai.

Dân nhận tiền di dời là phấn khởi rồi!

 

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho rằng rất khó quy trách nhiệm cho chính quyền trong việc theo dõi, đánh giá chất lượng sống của người dân sau TDC vì nhà nước chưa có quy định nào về vấn đề này. Vì vậy, chưa có cơ sở pháp lý để chế tài địa phương. “Thực hiện bồi thường thì mục tiêu là mặt bằng trống, đất sạch nên khi người dân nhận tiền di dời là ban bồi thường phấn khởi rồi” - ông Tuấn nói.

 

Theo ông Tuấn, để việc đánh giá chất lượng sống của người dân sau TĐC được thực chất, nhà nước phải có quy định cụ thể về khảo sát, điều tra chi tiết. Ngoài ra, cần quy định chủ đầu tư dự án phải bỏ tiền để lập tổ tư vấn giám sát về đời sống người dân sau TĐC.

 
Người Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo