Di sản '5 không, 3 có' của ông Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẵng
Ý tưởng thành phố "5 không" (không hộ đói, không người lang thang xin ăn, không người mù chữ, không người nghiện ma túy trong cộng đồng, không giết người để cướp của) được khởi xướng, ông Thanh nhiều lần lấy ý kiến HĐND, các nhà nghiên cứu rồi đưa ra mục tiêu vừa phấn đấu, vừa điều chỉnh cho phù hợp. Khi đề ra mục tiêu "3 có" (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn minh đô thị) thì "5 không" vẫn được duy trì.
Vạch ra đường lối để thực hiện đến cùng, nhưng ông Nguyễn Bá Thanh không bao giờ hài lòng với những gì mình làm. Khi Đà Nẵng được công nhận là một trong 20 thành phố "sạch nhất thế giới", ông Thanh phát biểu trước kỳ họp HĐND rằng "chưa thấy sướng lắm" bởi thành phố còn nhiều điểm ô nhiễm. Đà Nẵng được bình chọn là thành phố đáng sống, ông Thanh bảo, ai khen chứ bản thân ông chưa hài lòng khi cuộc sống người dân chưa yên với nạn trộm cắp, nghiện ma túy. "Đó không chỉ là tâm huyết mà còn là trí tuệ của người lãnh đạo", ông Tiếng nhận định.
"Nói được, làm được" - cụm từ nhiều người dùng nhận xét về ông Thanh, ông Tiếng thừa nhận "thực tế đúng như vậy". Ông Thanh là người nghĩ ra việc, tạo áp lực cho bản thân và cấp dưới. Giữ chức Bí thư Thành ủy, ông kiêm luôn Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng. "Có người nói anh ấy với tay quá dài, nhưng vị trí đó giúp anh dễ gần gũi quần chúng, lắng nghe những phản biện của dân để làm tốt hơn công việc của mình. Nếu chỉ làm Bí thư thì chưa chắc anh đã làm tốt được như vậy", ông Tiếng lý giải.
Luôn ủng hộ ý tưởng táo bạo, năm 2008, ông Thanh làm "bà đỡ" cho đề án 89 đưa cán bộ trẻ về phường, xã của Trưởng ban Tổ chức Thành ủy - đề án sau đó nhận bằng sáng chế. Vai trò của người tài được coi trọng với chính sách "chiêu hiền đãi sĩ" từ 15 năm trước. Đến nay, đội ngũ lao động chất lượng cao đang góp sức cho sự phát triển của thành phố chứng minh tính hiệu quả của chính sách.
Dấu ấn Nguyễn Bá Thanh mà ai đặt chân đến Đà Nẵng cũng có dịp chiêm ngưỡng là hàng loạt cây cầu bề thế và các công trình phúc lợi...
Ngoài cây cầu lịch sử Nguyễn Văn Trỗi, nhiều thập kỷ trước năm 2000, Đà Nẵng chưa có nổi cây cầu thứ hai bắc qua sông Hàn, khiến quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn kém phát triển đến mức người dân phải đi đò sang đường Phan Đình Phùng (quận Hải Châu) để đi học, đi chợ còn bảo nhau rằng đi sang Đà Nẵng. Dân gian truyền tai "con gái quận 3 không bằng bà già quận nhất" để so sánh về sự chênh lệch mức sống.
Vượt qua nhiều ý kiến bàn lui, ông Thanh quyết định làm cầu quay. Vị Chủ tịch thành phố lúc ấy trực tiếp huy động người dân đóng góp, trẻ em đi học nhịn tiền ăn sáng, cụ già bớt ăn trầu. Cầu làm xong, hai năm sau những xóm nhà tạm bợ trên sông được xóa bỏ. Đường Trần Hưng Đạo bên bờ đông được mở, thành phố cấp cho mỗi hộ dân giải tỏa một lô đất tái định cư. "Chiếc áo cũ" dần được lột bỏ.
Trong cuộc gặp 1.000 cán bộ tại cung Tiên Sơn trước khi ra Hà Nội giữ chức Trưởng ban Nội chính trung ương, ông Thanh nhắn nhủ: "hãy khát vọng chứ đừng tham vọng. Vì tham vọng là hướng đến cái mình chưa có, vì cái riêng, còn khát vọng là vì cái chung". Đó là tâm huyết cả đời của ông mong mỏi mọi người chung tay đưa Đà Nẵng trở thành một Singapore trong tương lai.
Các kỳ họp Quốc hội, ngồi ăn cơm cùng đoàn đại biểu, ông Thanh luôn miệng hỏi việc cần làm nhất ở Đà Nẵng là gì. Rồi ông cả quyết, nhà nước chưa có kế hoạch xây dựng ở miền Trung một bệnh viện chuyên điều trị bệnh ung thư, nên Đà Nẵng phải xây.
"Người mắc bệnh ung thư không khác gì mang án tử hình, cần phải có nơi để họ tầm soát, sớm phát hiện bệnh mà điều trị", bà Nguyễn Thị Vân Lan - Phó chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em nghèo và phụ nữ bất hạnh Đà Nẵng, nhớ về ý tưởng xây dựng Bệnh viện Ung thư lớn nhất miền Trung của ông Thanh được thai nghén từ năm 2005.
5 năm sau đó, ông tự thảo thư kêu gọi, in 10.000 bản và ký từng tờ để thể hiện sự tôn trọng với nhà đầu tư. Bệnh viện khánh thành ngày 19/1/2013 với tổng kinh phí xây dựng 1.500 tỷ đồng. "Nếu không có anh Thanh thì không có Bệnh viện Ung thư", bà Lan khẳng định và cho biết bệnh viện đang là nơi khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, có bếp ăn từ thiện, có nhà lưu trú miễn phí.
Ông Thanh luôn công khai số điện thoại di động của mình, nửa đêm dân gọi đến cũng nghe máy. Sau mỗi lần tiếp xúc cử tri, trường hợp nào cần quan tâm, ông ghi ngay vào sổ rồi nhắc nhở, kiểm tra rốt ráo. "Nhiều người thấy uy của anh Thanh thì sợ, nhưng sự quan tâm của anh với những người bất hạnh khiến người ta nể. Người ở tù, trẻ em hư, những ông chồng đánh vợ, anh Thanh đều đối thoại. Việc tiếp dân tại nhà của anh từng bị Thành ủy nhắc nhở, nhưng rồi anh vẫn gắng dậy sớm hơn, ngủ muộn hơn để những người cần nhà ở, cần tiền mổ tim không phải chờ đợi quá lâu", bà Lan hồi tưởng.
Sát cánh bên ông Nguyễn Bá Thanh thời gian dài, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến, tự nhận mình là lứa đàn em. "Những nơi tiếp dân tôi thường xuyên đi cùng anh Thanh, cho nên bản lĩnh, lề lối, cung cách làm việc của anh tôi học tập rất nhiều. Sau này khi anh ra làm Ban Nội chính trung ương, tôi đảm đương trọng trách Chủ tịch thành phố, thấy cách làm của người đi trước rất hiệu quả nên cũng học tập và làm theo", ông Chiến cho hay.
Ngược dòng trí nhớ của xã viên Bùi Ngọc Cang HTX Hòa Nhơn 30 năm trước, anh chủ nhiệm Nguyễn Bá Thanh dáng người to khỏe, cưỡi xe Honda 67 oai nhất vùng nhưng ăn ở luôn tại hợp tác xã, thưởng phạt phân minh. Phát hiện ai gian dối, ông phê phán chính xác nên không ai dám cãi.
Cựu đội trưởng sản xuất HTX Hòa Nhơn 3 Lê Sang (77 tuổi) thì bảo, hơn 30 năm rồi, nhiều chuyện về ông Bá Thanh không nhớ hết, nhưng cái hồ chứa nước Trước Đông đang tưới tiêu cho 120 ha lúa và cây cầu Tam Thanh giúp học sinh không bị té ngã ông Thanh tự xin tiền về làm thì không bao giờ quên được. Lần khác bắt tận tay lính đào ngũ trộm củi của dân, ông Thanh báo chính quyền và bị toán lính này vây đánh. Được ông Sang giải vây, ông Thanh vào nhà cầm súng hoa cải đuổi theo khiến nhóm thanh niên bỏ chạy không dám quay lại.
Sau lần giải nguy ấy, hai người thân thiết hơn. Gặp cô cán bộ trẻ Lê Thị Quý lên HTX tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, ông Sang giới thiệu: "Tôi thấy cô Quý cũng được, công việc lại ổn định, anh Thanh lấy làm vợ đi". Bà Quý và ông Thanh sau đó nên duyên chồng vợ. "Làm quan to nhất Đà Nẵng rồi ra Trung ương, nhưng đến nhà ông Thanh chơi, ai cũng ngỡ ngàng khi được đón tiếp nhiệt tình, ân cần hỏi han và nhớ tên từng người. Đó là điều chúng tôi quý ở anh", ông Sang kể.
Luật sư Đỗ Pháp (trưởng văn phòng luật sư cùng tên ở Đà Nẵng) cho rằng thành quả nào ở Đà Nẵng cũng gắn với tên tuổi ông Nguyễn Bá Thanh, nhưng hạn chế của Đà Nẵng người ta cũng nhắc đến ông. "Có người cho rằng không có ông Nguyễn Bá Thanh thì Đà Nẵng còn phát triển hơn bây giờ, nhưng không ai không thừa nhận vai trò và tầm ảnh hưởng của ông với Đà Nẵng là quá lớn. Và chưa ai ở thành phố này làm được như ông ấy", vị luật sư khẳng định. 35 ngày điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, ngày nào ông Thanh cũng hỏi người thân cận về công việc, không dành thời gian cho riêng mình.
Chứng kiến dòng người từ trưa đến đêm 13/2 vẫn đứng trước cổng nhà riêng ông Bá Thanh, luật sư Pháp nói, có những điều không thể diễn tả bằng lời. "Tôi không có ý so sánh ông Thanh với những nhân vật lịch sử khác, nhưng ông là một hiện tượng độc đáo của xã hội đương đại. Một lãnh đạo thành phố để lại dấu ấn với nhân dân như ông ấy là điều hiếm", ông Pháp nhận xét.
Tết này người dân Đà Nẵng không có được niềm vui trọn vẹn, vì họ đang có một cái tang chung.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Không thiếu vốn để thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng