Thị trường

Dịch vụ ăn uống ồ ạt nhảy giá

Nếu giá thực phẩm tại thị trường TP HCM từ trước Tết đã ổn định và ngay sau Tết nhiều mặt hàng nhanh chóng giảm giá, thì các dịch vụ ăn uống bất chấp các điều kiện thuận lợi trên lại đồng loạt tăng giá.
Thời điểm trước Tết, việc điều chỉnh tăng giá ở các cơ sở dịch vụ ăn uống diễn ra có phần lẻ tẻ, dè dặt, phạm vị hẹp tại các quận trung tâm. Song bắt đầu từ Tết đến nay, tất cả các cửa hàng từ lớn đến nhỏ trên địa bàn thành phố đều tăng giá tùy theo quy mô, địa bàn hoạt động. Ngay cả những hàng ăn uống hoạt động theo chuỗi cũng thực hiện tăng giá đồng loạt.


Đồng loạt đổi menu!


Chị Minh, công tác tại một cơ quan truyền thông ở quận Phú Nhuận cho biết, từ sát Tết, giá các dịch vụ như cơm trưa văn phòng, cà phê tại một số điểm chị thường lui tới thuộc khu vực quận 1, 3, Phú Nhuận… đã tăng 10 - 15%. Những món ăn phổ biến như cơm, phở, bún, cháo, hủ tiếu… tăng 2.000 – 3.000 đồng/suất, có nơi tăng tới 10.000 đồng, đồ uống thì mức tăng phổ biến là 10%, có nơi đến 20%.
 
 
Theo chị Minh việc tăng giá trong những ngày Tết có thể chấp nhận được, vì lúc này các cơ sở kinh doanh phải cộng thêm chi phí cao hơn cho nhân công, cộng với nhiều chi phí phát sinh nên việc các cơ sở kinh doanh dịch vụ điều chỉnh giá bán sản phẩm và mong “thượng đế” cùng chia sẻ là đương nhiên.
 
 
Tuy nhiên, từ sau Tết đến nay, đi đến đâu cũng thấy đổi menu, bảng giá đồng loạt điều chỉnh tăng, dù mọi hoạt động đã trở lại bình thường, cả người lao động ngoại tỉnh cũng quay trở lại làm việc. Và lý do chung mà các chủ nhà hàng, quán cà phê…đưa ra lại là do giá nguyên liệu, chi phí đầu vào, là chi phí có tính quyết định giá hàng ăn uống… tăng, nên buộc phải tăng giá dịch vụ ăn uống.


Tăng vì không được quản lý giá


Thế nhưng nếu nhìn vào diễn biến giá thực phẩm tại TP HCM thì lý do mà loại hình dịch vụ này đưa ra thì có vẻ không hợp lý. Khảo sát những mặt hàng thực phẩm trên thị trường trong vòng 3 tháng trở lại đây thì gần như không có biết động tăng giá. Đặc biệt với những nhóm hàng có sức tiêu thụ mạnh phục vụ cho các cơ sở ăn uống như thịt heo, gà, rau quả… còn giảm giá mạnh.

Trước Tết, thịt heo bán lẻ các loại đã giảm từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, sau Tết mức giảm còn mạnh hơn, chẳng hạn thịt ba rọi giảm tới hơn 20.000 đồng kg (từ 128.000 đồng/kg xuống còn 120.000 đồng/kg), các loại đùi, chân giò, sườn… cũng giảm từ 15.000 – 20.000 đồng/kg so với trước Tết, thịt gà công nghiệp trước tết giảm tới 10.000 đồng/kg, nhóm hàng rau củ cũng giảm bình quân khoảng 15%... Duy chỉ có số ít mặt hàng như thịt bò, và một số loại thủy hải sản tươi sống (tôm, mực…) tăng giá từ trước Tết.

 
Anh Trần Anh Tuấn, quản lý nhà hàng Hương Lài, đường Vườn Lài, phường An Phú Đông (quận 12) cho rằng, giá thực phẩm chỉ chiếm khoảng 30% giá thành sản phẩm mà các nhà hàng bán ra, còn phần lớn phải phụ thuộc vào chi phí mặt bằng, nhân công… nên thực phẩm chưa phải là yếu tố quyết định việc tăng giá.


Theo số liệu của Cục thống kê TP HCM, chỉ số giá tiêu dùng của TP HCM trong tháng 1 tăng 0,89%, trong đó nhóm hàng dịch vụ ăn uống vẫn thuộc nhóm có mức tăng cao (0,67%). Ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng ban vật giá, Sở Tài chính TP HCM cho biết, theo Thông tư 22 thì chỉ một số nhóm hàng như xăng dầu, điện, sữa…. nằm trong diện kiểm soát giá, riêng các dịch vụ ăn uống không nằm trong danh mục quản lý giá của thông tư này, mà theo cơ chế thị trường.
 
 
Bản thân các chủ quán ăn, nhà hàng, cà phê… cũng thừa nhận các lần điều chỉnh giá họ không phải đăng ký với cơ quan quản lý nào. Và chính điều này nên đều đặn đến Tết, các cơ sở dịch vụ ăn uống cứ đánh vào tâm lý người tiêu dùng thường thoải mái chi tiêu ngày Tết nên vô tư tăng giá bán, sau đó thì giữ luôn mức tăng này, đều đặn hình thành mức giá dịch vụ mới sau Tết mà người tiêu dùng buộc phải chấp nhận.
 
 
Theo Nguyên Khải (ĐV)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo