Dịch vụ taxi giá rẻ mới gây tranh cãi tại Việt Nam
Thanh Sang (31 tuổi) thường di chuyển từ quận 1 qua quận 7 bằng taxi thay cho phương tiện xe máy vì đường khá xa. Tuy nhiên, từ tháng 8.2014, anh đã chuyển qua sử dụng dịch vụ Uber để có xe di chuyển.
“Sử dụng xe taxi quen rồi nên cũng hơi ngại khi chuyển qua hình thức mới. Tuy nhiên, taxi dạo này chạy ẩu, lại hay có chuyện thấy khách đi gần là không thèm chở, nên tôi quyết định dùng ứng dụng mới. Sử dụng được vài lần thấy chất lượng tốt, giá lại rẻ hơn 20%, nên tôi chẳng dại gì phải chuốc bực vào người”, anh Sang cho biết.
Dịch vụ Uber mà anh Sang nói là hình thức đi xe thông qua ứng dụng được cài đặt trên smartphone. Những xe tham gia sử dụng Uber thường là xe hạng sang như Mercedes Benz, BMW, Camry… Khi người có nhu cầu đi xe, họ dùng ứng dụng Uber trên điện thoại di động để đăng ký hành trình.
Hệ thống của Uber sẽ kết nối thông báo với một chủ xe gần đó. Uber sẽ phản hồi cho khách biết trước cước phí cả đoạn đường đi, cũng như đặc điểm, thông tin chiếc xe sắp đón khách, thậm chí có cả thông tin tài xế lái xe. Sau khi đến nơi, người dùng trả phí thông qua hệ thống thanh toán bằng thẻ quốc tế như Master Card, Visa…
Ngoài ra, ứng dụng Uber còn cho phép người dùng đánh giá chất lượng xe và tài xế. Chỉ cần xe hoặc tài xế nhận được đánh giá không tốt theo tiêu chuẩn đặt ra, đều có thể bị loại khỏi hệ thống của Uber.
Chính thức xuất hiện tại TP HCM từ tháng 7.2014, nhưng mô hình kinh doanh của Uber đã có ở Mỹ vào năm 2009. Không lâu sau, mô hình này lan rộng ra các nước phương Tây. Hiện tại, ứng dụng này được định giá khoảng 17 tỷ USD và có mặt trên 130 quốc gia.
Ông Kurun Arya, Giám đốc truyền thông của Uber châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Hình thức kinh doanh của chúng tôi khá giống với một số công ty dịch vụ về đặt phòng trực truyến như Agoda hoặc Expedia. Chúng tôi là cầu nối giữa các công ty vận tải hoặc các chủ xe cá nhân và người sử dụng”.
Theo ông Kurun Arya, đối với người dùng sẽ có lợi về độ an toàn và trải nghiệm di chuyển bằng các xe hạng sang với chi phí thấp. Còn với các công ty vận tải tư nhân hoặc các cá nhân có xe nhưng không sử dụng nhiều, sẽ tiết kiệm được chi phí khi xe trong tình trạng trống”.
Doanh thu của Uber là khoản tiền hoa hồng thông qua việc kết nối giữa chủ xe và người cần di chuyển. Cụ thể, trong mỗi lần giao dịch xe, chủ xe sẽ lấy 80% tiền di chuyển, 20% còn lại sẽ thuộc về Uber. Theo tính toán của hãng cung ứng dịch vụ này, người sử dụng Uber sẽ tiết kiệm được khoảng 10- 20% so với chi phí đi taxi thông thường vì mức cước cơ bản khi khách hàng bước lên xe chỉ khoảng 5.000 đồng. Nhưng cũng chính vì vậy, không ít các cuộc tranh cãi đang nổ ra khi Uber bị kết tội khiến cho hệ thống taxi truyền thống điêu đứng.
Mới đây, Hiệp hội Taxi TP HCM đã kiến nghị cơ quan quản lý xem xét làm rõ tính pháp lý của xe Uber: Xe này có phép chưa, nếu chưa thì có nên cấp phép không? Việc chủ xe tham gia Uber để cung cấp dịch vụ vận chuyển là phù hợp quy định hay không? Việc quản lý, thu thuế như thế nào? Hiệp hội cho rằng hoạt động này hoàn toàn trái với Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.
“Mặt khác, trên thực tế, dịch vụ này tác động rất xấu đến doanh nghiệp taxi làm ăn chân chính. Bởi, đây là một phần mềm ứng dụng, có thể kết nối điều hành tất cả các xe con nhàn rỗi để huy động chở khách nhưng lại không phải chịu điều kiện trong vận hành. Trong khi đó, các hãng taxi để được kinh doanh phải chịu biết bao nhiêu điều khoản, tài xế cũng phải có đầy đủ giấy tờ hành nghề mới được điều khiển. Như vậy, việc kinh doanh như trên là trái pháp luật”, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM nói.
Ông cũng nhấn mạnh, đơn vị cung cấp dịch vụ này không hề đăng ký kinh doanh, đóng thuế, cũng như chưa phải chịu bất cứ quy định nào của pháp luật Việt Nam. Nếu cứ để hoạt động diễn ra như vậy, vô hình chung, các doanh nghiệp taxi Việt sẽ mất khách dần.
Sở Giao thông vận tải TP HCM cũng đã có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam về vấn đề này. Trong đó phản ánh: “Những xe tham gia Uber không có phù hiệu taxi, không có logo, không có đồng hồ tính cước như taxi khác...
Về bản chất, đây là loại hình xe hợp đồng vận tải nhưng hiện không được cấp phép, không có phù hiệu xe theo quy định. Điều này cũng ảnh hưởng đến trật tự vận tải tại TP HCM". Sở kiến nghị Bộ, Tổng cục làm rõ tính pháp lý đối với loại hình dịch vụ này để có cơ sở xử lý. Qua đó, Sở Giao thông vận tải cũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông xem xét hoạt động của trang web uber.com và ứng dụng Uber.
Không chỉ ở Việt Nam, một số quốc gia trên thế giới như Pháp, Đức cũng phản đối mô hình Uber vì ảnh hưởng đến thu nhập của các tài xế taxi truyền thống.
Riêng tại khu vực Đông Nam Á, hiện dịch vụ này đã có mặt ở Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur, Manila, Jakarta và TP HCM. Sở Giao thông Jakarta cho rằng dịch vụ taxi này hoạt động trái luật. Tại Malaysia, chính quyền bắt đầu truy quét các xe riêng sử dụng cho dịch vụ này kể từ ngày 1.10 và phạt mỗi tài xế vi phạm tới 10.000 MYR (khoảng 3.070 USD). Uber cũng vấp phải các vấn đề pháp lý tại San Francisco, New York (Mỹ) hay Frankfurt (Ðức). Tại Seoul (Hàn Quốc), giới chức cho rằng dịch vụ này nên tuân theo các quy định như taxi bình thường hoặc các công ty cho thuê xe.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Kurun Arya cho rằng ở góc độ khách hàng, không tự nhiên mà hình thức này lại được đón nhận nếu hệ thống taxi thông thường hoạt động và kinh doanh hiệu quả. "Ở Việt Nam, người dân khá e ngại trong việc sử dụng taxi vì xe chạy ẩu, tranh giành khách, tài xế khi lên xe thì văng tục, nói chuyện điện thoại inh ỏi, chưa kể đồng hồ tính tiền nhiều khi đã bị điều chỉnh không đúng chuẩn, đội giá khách hàng. Với những lẽ đó, khi có một hình thức mới an toàn hơn, minh bạch hơn về chi phí, khiến khách hàng hài lòng thì họ sẽ ủng hộ”, ông nói.
Riêng về nghi vấn không đóng thuế, ông Kurun Arya cho biết theo thỏa thuận, phía chủ xe sẽ chịu trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản thuế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo