Tin tức - Sự kiện

Điểm nhấn kinh tế Thủ đô

Từ thành phố chỉ có quy mô 20 vạn dân, Thủ đô Hà Nội ngày nay sừng sững với những công trình nhà chọc trời, những cây cầu nối liền hai bờ sông Hồng để mở rộng không gian phát triển cho số dân khoảng 8 triệu người vào năm 2020 và những khu công nghiệp luôn “sáng đèn ba ca”...

 Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2014), phóng viên TBNH đã phỏng vấn ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội về định hướng phát triển kinh tế Thủ đô.

 Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế ThảoSau 60 năm giải phóng, Thủ đô ngày nay trong ấn tượng của ông có thay đổi gì nổi bật?
 
60 năm, một chặng đường chưa dài so với lịch sử phát triển hàng nghìn năm của Thăng Long xưa, Hà Nội nay là trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế. Không những thế, Hà Nội vẫn giữ vị thế là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Hà Nội hiện là một trong 17 Thủ đô có quy mô lớn trên thế giới và cũng là một trong những Thủ đô lâu đời nhất trên thế giới với dân số hơn 7 triệu người.
 
Những năm gần đây, trong bối cảnh tình hình có nhiều biến động, khó khăn và thuận lợi đan xen, thành phố tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế Thủ đô liên tục tăng trưởng khá cao, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm qua đạt khoảng 9,5%, cao hơn 1,5 lần so với mức bình quân chung của cả nước. Thu ngân sách bình quân tăng trên 19%/năm và chiếm trên 20% tổng thu ngân sách cả nước...
 
Có thể thấy rõ, Hà Nội đã “thay da đổi thịt” và đang chuyển mình mạnh mẽ, dần trở thành một thành phố văn minh, hiện đại và thanh bình.
 
Thông qua Luật Thủ đô đem lại lợi thế về không gian phát triển rộng hơn, còn thay đổi có ý nghĩa thực tiễn gì, thưa ông?
 
Từ ngày 1/7/2013, Luật Thủ đô được ban hành và có hiệu lực tạo thuận lợi cho việc huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Chúng tôi rất hy vọng đây sẽ là bước đột phá về huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý, xây dựng đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.
 
Giai đoạn 2011-2013 vốn đầu tư phát triển thành phố hàng năm tăng bình quân trên 15%/năm. Tuy nhiên xét về cơ cấu, tỷ trọng vốn đầu tư khu vực nhà nước giảm dần từ mức gần 31% so với tổng vốn đầu tư trên địa bàn năm 2010, năm 2011 ở mức trên 28% thì đến năm 2013 còn khoảng 27%. Những thay đổi đó là do thành phố có chủ trương cắt giảm đầu tư công, tập trung hơn đến các dự án trọng điểm, các dự án dân sinh, dự án phát triển nông nghiệp nông thôn có tiến độ giải ngân cao...
 
Trong giai đoạn vừa qua, trong 37 công trình, cụm công trình trọng điểm với 55 dự án thành phần, có 20 dự án lĩnh vực giao thông đô thị, 9 dự án thoát nước và 6 dự án cho nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đến nay, đã hoàn thành nhiều công trình giao thông trọng điểm như đường vành đai 3 trên cao, đường vành đai 1 (đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng cầu), đường 5 kéo dài; cầu đi bộ khu vực Bắc Thăng Long, 7 cầu vượt nhẹ tại các nút giao thông quan trọng... Các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới, nhà ở xã hội được triển khai mạnh, đưa diện tích nhà ở bình quân năm 2012 đạt 21,5m2/người.
 
Thành phố hiện có 86 tuyến xe buýt với 521 triệu lượt hành khách, 525 tuyến liên tỉnh với hơn 64 triệu lượt hành khách. Số điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc đã giảm và tai nạn giao thông hàng năm đều giảm trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và bị thương.
 
 Thủ đô Hà Nội 60 năm xây dựng và phát triển
 
Đặt mục tiêu trọng tâm là hướng phát triển về dịch vụ, công nghệ cao... Hà Nội có dự định gì để thực hiện?
 
Chúng tôi sẽ thực hiện mạnh mẽ công cuộc đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững, tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển kinh tế tri thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của kinh tế Thủ đô.
 
Về dịch vụ, thành phố sẽ tiếp tục phát triển các lĩnh vực dịch vụ có hàm lượng trí tuệ, hàm lượng công nghệ mang lại giá trị gia tăng cao như du lịch, khu vui chơi giải trí, viễn thông, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, hỗ trợ kinh doanh... Phát triển, nâng cao chất lượng các dịch vụ vận tải và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác. Đa dạng hóa các hình thức tổ chức các kênh tiêu thụ, các dịch vụ thanh toán để thúc đẩy phát triển thị trường...
 
Về công nghiệp, chúng tôi sẽ tăng cường thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn; tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh xuất khẩu; phát triển các làng nghề có sản phẩm tiêu thụ lớn trên thị trường, tập trung vào những sản phẩm có giá trị cao (đồ gỗ, mây tre đan)...
 
Về nông nghiệp, thành phố sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, hiện đại, có năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu; phát triển sản xuất nông nghiệp gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, bảo quản, thị trường tiêu thụ và các ngành nghề khác; giảm dần diện tích sản xuất cây lương thực đi đôi với việc phát triển lúa chất lượng cao; tăng sản xuất rau an toàn, hoa cây cảnh, cây ăn quả chất lượng cao. Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất con giống; phát triển thủy sản theo hướng tập trung thâm canh. Trước mắt ổn định, đàn gia cầm; Tăng nhanh đàn bò sữa, phát triển đàn bò thịt.
 
Xin cảm ơn ông!
 
 

 Chỉ tiêu phát triển kinh tế:


Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm đạt 8-9%. Đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người của Hà Nội khoảng 160-180 triệu đồng (tính theo giá thực tế). Cơ cấu kinh tế: Đến năm 2020, khu vực dịch vụ chiếm 53,5-54,5%, công nghiệp - xây dựng 40,5-41,5% và nông nghiệp 3-4%. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu trên địa bàn bình quân 9-10%/năm.

Theo Thời báo Ngân hàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo