Tin tức - Sự kiện

Diễn đàn kinh tế biển Việt Nam lần thứ IV

Chiều qua (7/6), tại TP Hà Tĩnh, Tổng cục biển và hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp cùng Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tổ chức diễn đàn kinh tế biển Việt Nam lần thứ IV với chủ đề “Phát triển kinh tế biển xanh: triển vọng và thách thức”.

(vov) Với 28 tỉnh, thành có biển, nước ta là một trong 10 nước có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ (chưa kể đến một số đảo) trên thế giới. Bình quân cứ 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển, cao gấp 6 lần chỉ số bình quân của thế giới; bờ biển lại mở ra cả ba hướng đông, nam, tây nam nên rất thuận lợi cho việc giao lưu thương mại quốc tế.

Mặc dù có nhiều tiềm năng lớn, nhưng nước ta vừa phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, là một trong năm nước ở Châu Á bị thiệt hại nặng nề nhất do biến đổi khí hậu nếu không có những giải pháp phòng tránh hữu hiệu.

Hội nghị lần thứ IV Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã đề ra Nghị quyết về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, với mục tiêu: Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên vì biển theo định hướng phát triển bền vững. Đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước. Phấn đầu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp 53-55% GDP, 55-60% kim ngạch xuất khẩu cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển.

Theo GS. TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, để nước ta trở thành quốc gia mạnh lên vì biển, giàu lên vì biển thì phải khai thác thế mạnh của cả nước ở tất cả các tỉnh ven biển từ Móng Cái đến Cà Mau. Đồng thời phát huy tốt lợi thế của từng vùng kinh tế, từng địa phương khắc phục nhược điểm vừa không tạo ra tính đa dạng của vùng và địa phương, vừa lãng phí nguồn lực tự nhiên và lao động sáng tạo. GS Nguyễn Mại dẫn chứng, nước ta có trên 300 khu công nghiệp có cơ cấu sản xuất na ná như nhau, 15 khu kinh tế không có sự khác biệt nhiều. Ở mỗi tỉnh, thành, cơ cấu kinh tế từng địa phương như một “vương quốc” có đủ cảng biển, nhiều nơi đã có hoặc sắp có cảng hàng không, sản xuất từ sắt thép, quần áo, đến xi măng... nhưng lại chưa hình thành được kinh tế vùng lãnh thổ - yếu tố cấu thành nền kinh tế quốc dân có năng lực cạnh tranh cao.

Theo đó, GS Nguyễn Mại nêu rõ: “Cần xây dựng quy hoạch phát triển không gian biển toàn diện trên cơ sở khoa học tiên tiến với sự tham gia và phối hợp giữa các bên có liên quan ở tầm quốc gia cũng như khu vực, không chỉ chú trọng khai thác tiềm năng hiện có mà cần coi trọng việc bảo tồn để khai thác tốt hơn tiềm năng trong tương lai”.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cho rằng, để đạt được mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và tạo ra một “nền kinh tế xanh”, chúng ta phải nỗ lực xây dựng một nền công nghiệp hiện đại; phát triển kinh tế biển hiệu quả, bền vững, có khả năng hội nhập quốc tế, có phương thức quản lý tổng hợp biển theo không gian và đảm bảo an ninh chủ quyền vùng biển.

Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu tiếp tục trao đổi, thảo luận chuyên sâu, góp phần làm sáng tỏ thêm các giải pháp và kinh nghiệm nhằm đưa kinh tế biển Việt Nam phát triển như định hướng đã được đề ra trong chiến lược biển.

 

 

Kim Anh

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo