Thị trường

Điện thừa, vốn thiếu

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2012 sẽ xảy ra nghịch lý: Cả nước đủ điện, nhưng Hà Nội nguy cơ bị cắt điện luân phiên. Nguyên nhân do mặt bằng và thiếu vốn đầu tư các dự án cải tạo, xây mới hệ thống điện đang bế tắc.

Cắt điện do thiếu đường truyền tải

 

Với mức dự báo tăng trưởng phụ tải khoảng 10%-12% của năm 2012 (tương đương từ 2.240 MW - 2.300 MW/ngày), nếu không đóng điện được các trạm biến áp 220 kV mới xây (được xếp vào diện rất quan trọng như trạm Thành Công, Hà Đông, Vân Trì trong một vài tháng tới), Hà Nội sẽ phải đối mặt với việc cắt điện luân phiên, hoặc đột ngột mất điện trong những ngày nắng nóng.

 

Theo Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) Nguyễn Anh Tuấn, Hà Nội là đơn vị đặc thù so với các nơi khác. Bởi vì, phụ tải về quản lý tiêu dùng, sinh hoạt lớn (chiếm tới 56% tổng lượng điện tiêu thụ toàn thành phố) nên khi thời tiết nắng nóng, quá tải sẽ buộc phải áp dụng cắt điện luân phiên.

 

“Với mức tăng trưởng sử dụng điện dưới 10%, nếu thời tiết mát mẻ như năm 2011, tổng công ty có thể đáp ứng được. Trường hợp lượng điện sử dụng tăng đột biến và các công trình nâng cấp lưới điện không thực hiện đúng tiến độ đề ra, khả năng Hà Nội phải cắt điện luân phiên là có thực”- ông Tuấn nói.

 

Theo lãnh đạo EVN Hà Nội, ba trạm biến áp 220 kV quan trọng cấp điện cho thành phố (trạm Thành Công, Vân Trì, Tây Hồ) dù đã được xây xong, nhưng vẫn phải “đắp chiếu”. Lý do là, đường dây cấp điện cho các trạm chưa chốt được ngày hoàn thành để sử dụng.

 

Theo kế hoạch, trạm Vân Trì (Đông Anh) bắt buộc phải đóng được điện sớm nhất vào tháng 3, muộn nhất trong tháng 6 mới đảm bảo cấp điện cho khu vực Bắc sông Hồng. Trạm 220 kV Tây Hồ cũng là điểm nút quan trọng, nhưng dù đã hoàn thành, vẫn không thể hoạt động (vướng giải phóng mặt bằng kéo đường dây từ trạm ra bên ngoài). Riêng phần chờ giải phóng mặt bằng làm chậm tiến độ của trạm tới hơn một năm rưỡi. Trạm Tây Hồ không đưa vào đúng tiến độ, đến năm 2013, điện cho Hà Nội lại rơi vào cảnh khó khăn khôn lường.

 

Phó Tổng giám đốc EVN Hà Nội Bùi Duy Dụng, cho biết: “Thời gian qua, kế hoạch xây dựng các trạm, lưới điện 110 kV và nhánh rẽ 110 kV quan trọng của thành phố như Trôi, Bắc An Khánh, Quang Minh, Mỗ Lao, Gia Lâm 2 cũng bị chậm tiến độ do vướng mặt bằng và phải nhờ đến sự can thiệp của Ủy ban Nhân dân thành phố”.

 

Dự án Trạm biến áp 110 kV thị trấn Trôi cấp điện cho các huyện Hoài Đức, Đan Phượng… được đầu tư gần 70 tỷ đồng (hoàn thành từ năm 2009), nhưng đến gần cuối năm ngoái, trong 20 vị trí cột dẫn điện vào trạm, có 16 vị trí cột bị vướng.

 

13 vị trí cột khác đi qua các dự án Khu đô thị Bắc 32 và khu đô thị Tân Lập phải thay đổi vị trí, hướng tuyến theo qui hoạch Hà Nội mới được phê duyệt. Tương tự, Dự án trạm biến áp 110 kV Bắc An Khánh, cấp điện chủ yếu cho khu đô thị Splendora và dự án trạm biến áp 110 kV cấp điện cho khu đô thị Mỗ Lao vướng quy hoạch.

 

Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Đinh Thế Phúc (Bộ Công Thương) xác nhận, nếu không giải quyết được các vướng mắc giải phóng mặt bằng xây dựng đường dây truyền tải điện, việc cấp điện năm 2012 Hà Nội có nguy cơ bị thiếu. Cục này đã làm việc với EVN và Tổng Công ty Điện lực Hà Nội yêu cầu có phương án cấp điện cho Thủ đô.

 

 

Trạm biến áp Thành Công không thể hoạt động do giải phóng mặt bằng chưa xong. Ảnh: Việt Cường
Trạm biến áp Thành Công không thể hoạt động do giải phóng
mặt bằng chưa xong. Ảnh: Việt Cường.

 

Ngành điện than khó

 

Theo tính toán của EVN Hà Nội, tổng vốn đầu tư cho việc bảo đảm cung cấp và phát triển điện lực thành phố Hà Nội năm 2012 dự kiến hơn 6.254 tỷ đồng. Tuy nhiên, các nguồn vốn dự kiến vay đầu tư mới chỉ có 1.514,5 tỷ đồng. Việc huy động các nguồn đầu tư lưới điện gặp khó khăn vì vốn khấu hao cơ bản của tổng công ty chỉ đủ trả gốc, lãi hằng năm.

 

Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cũng cho biết, hệ thống lưới điện mới đáp ứng được 60% nhu cầu truyền tải. So với quy hoạch, trong năm qua, lưới điện 220kV của Hà Nội phát triển bằng không, còn lưới điện 110 kV chỉ được 17% kế hoạch.

 

“Trong năm 2011, tập đoàn nâng giá truyền tải từ 68 đồng lên 77 đồng/kWh, nhưng Tổng Công ty Truyền tải Điện quốc gia (NPT) vẫn không đủ bù đắp chi phí và không đủ tiền để thu xếp vốn thực hiện các dự án. NPT cũng đề xuất tăng giá truyền tải lên 127 đồng/kWh, nhưng không thể thực hiện được mà chỉ có thể điều chỉnh dần” - ông Thanh cho biết.

 

Về phần mình, ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch Hội đồng Thành viên NPT cho biết, năm 2011, đơn vị này tiếp tục không đạt đủ tỷ lệ vốn đối ứng cần thiết tối thiểu 15% cho đầu tư. Nguồn thu từ khấu hao không đảm bảo cho trả nợ gốc và lãi vay đến hạn. Bên cạnh đó, các ngân hàng bị hạn chế tín dụng. Đặc biệt, các hợp đồng vay (đã ký kết) bị dừng giải ngân để xem xét lại các điều kiện cho vay.

 

Theo TPO

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo