Tin tức - Sự kiện

Điều chỉnh chiến lược cạnh tranh để tồn tại

Đây là khuyến nghị của các chuyên gia tới các doanh nghiệp tại Hội thảo ‘’Doanh nghiệp điện tử: Chìa khóa thành công trong thời kỳ khủng hoảng’’ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Công ty HP tổ chức ngày 22/3 tại Hà Nội.

Ông Hoàng Văn Dũng - Phó Chủ tịch thường trực VCCI - cho hay, kinh tế nước ta đang bước sang một giai đoạn mới, sàng lọc tất cả những doanh nghiệp yếu kém. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động năm 2012 cao kỷ lục với gần 54.000 doanh nghiệp, trong đó số ngừng hoạt động 2 năm 2011-2012 khoảng hơn 107.000, bằng con số ngừng hoạt động của cả 12 năm trước, số còn hoạt động cũng giảm mạnh công suất. Trước thực trạng đó, năm 2013 có thể coi là bước đệm để tạo ra bước ngoặt thay đổi cục diện trong kinh doanh. “Những doanh nghiệp thông minh, quản lý điều hành chặt chẽ, biết đổi mới và nhanh chóng nắm bắt, tận dụng lợi thế về công nghệ sẽ đi lên hàng đầu”- Ông Dũng nhấn mạnh.

Theo TS. Phạm Chi Lan, năm 2012, mặc dù kinh tế vĩ mô đã được cải thiện rõ rệt nhưng lạm phát vẫn cao, việc nới lỏng các chính sách tài khóa hoặc tiền tệ có dấu hiệu làm lạm phát tăng trở lại. Mức dự trữ ngoại tệ có cải thiện nhưng vẫn thấp so với quốc tế. Triển khai chậm trễ và chưa hiệu quả quá trình tái cơ cấu, kể cả giải quyết nợ xấu trong ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước. Tăng trưởng công nghiệp sụt giảm, tồn kho cao, niềm tin giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với ngân hàng, doanh nghiệp với nhà nước thấp.... Đó là những cản trở đối với tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.

Bà Lan cho biết thêm, năm 2013, Chính phủ kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, cố gắng kiềm chế lạm phát để có thể giảm tiếp lãi suất ngân hàng, giảm thuế thu nhập cá nhân, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng, xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp... Đây sẽ là cơ hội cũng như thách thức đối với doanh nghiệp. Do vậy, bản thân các doanh nghiệp phải tự tái cơ cấu, điều chỉnh chiến lược cạnh tranh, tự vượt khó để tồn tại và thích ứng với những đòi hỏi mới.

Vì vậy, việc điều chỉnh chính sách để ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu kinh tế có thể giúp nền kinh tế kiềm chế lạm phát, ổn định dần. Tái cơ cấu tạo sự phân bổ nguồn lực và chính sách khuyến khích công bằng, hiệu quả hơn, hội nhập quốc tế sâu hơn và các FTA mới giúp cải thiện môi trường kinh doanh, cơ hội thương mại và đầu tư về nhiều mặt.




Quyết Thắng
Theo Công Thương

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo