Tin tức - Sự kiện

Điều chỉnh sắp xếp lại các thôn, tổ dân phố: Không ảnh hưởng đến việc giải quyết thủ tục của dân

Ngày 4/12, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị bên lề Kỳ họp thứ 11 HĐND TP Hà Nội khóa XIV, bà Nguyễn Lan Hương - Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng cho rằng: Việc chia tách, sáp nhập, giảm hay thành lập mới các thôn, tổ dân phố là một chủ trương đúng đắn được đa số người dân ủng hộ, bởi thực tế đáp ứng được yêu cầu phát triển tất yếu của TP mà không gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống dân cư.

 TP đã và đang thực hiện chủ trương về sáp nhập, chia tách, thành lập mới các thôn, tổ dân phố trên địa bàn. Bà đánh giá thế nào về chủ trương này?

- Tôi cho rằng cách làm này rất tốt, đáp ứng được các yêu cầu của xã hội phát triển: Đó là yêu cầu mới về công tác quản lý, yêu cầu về việc sắp xếp lại địa giới hành chính, sự phát triển quy mô dân số… Nhất là, cách làm này giúp TP giảm đáng kể các đầu mối về quản lý hành chính.
 
Từ thực tế tại quận Hai Bà Trưng phải giảm gần 400 tổ dân phố so với trước khi kiện toàn và tới đây thành lập mới 10 tổ, bà nhận thấy công tác này gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
 
- Khi điều chỉnh địa giới hành chính các thôn, tổ dân phố, đương nhiên cái khó đặt ra đầu tiên là vấn đề cán bộ. Các bác cán bộ cơ sở tâm huyết bao nhiêu năm rồi, giờ họ phải nghỉ, đặt ra đòi hỏi càng cao đối với công tác tuyên truyền tại các quận, huyện, làm sao "đả thông" tư tưởng cho họ. 
 
Tuy nhiên, có một thuận lợi lớn là TP vừa ban hành quy định: Các cán bộ cơ sở không tiếp tục tham gia công tác thì vẫn được hưởng chế độ đến hết nhiệm kỳ. Khoản tiền này dù không nhiều nhưng có giá trị động viên rất lớn. Bên cạnh công tác tuyên truyền vận động xác định tư tưởng thì tôi nghĩ, đây là biện pháp vừa có giá trị vật chất vừa có giá trị tinh thần vô vùng hiệu quả.
 
Với số lượng tổ dân phố biến động vào loại lớn nhất trong các quận, quận Hai Bà Trưng có thêm giải pháp nào để ổn định công tác quản lý?
 
- Với những cán bộ cơ sở không tham gia công tác nữa, ngoài chế độ TP ban hành, quận Hai Bà Trưng đã chỉ đạo các phường chăm lo cho họ từ những việc rất nhỏ. Quận đã có kế hoạch cụ thể về công tác này từ năm ngoái. Đặc biệt, từ nhiều năm trước, Quận ủy đã ban hành nghị quyết về sắp xếp lại hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, theo cách thức là sắp xếp lại chi bộ đảng, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể trước. Đến năm 2013, công tác này hoàn thành, chúng tôi chuyển sang sắp xếp tổ dân phố. Tại quận Hai Bà Trưng, mọi chi bộ áp dụng theo mô hình: Một chi bộ lãnh đạo một tổ chức đoàn thể. Việc này thực tế quận đã triển khai rất sớm, từ đầu nhiệm kỳ. 
 
Theo bà, việc thay đổi này có gây nhiều khó khăn trong công tác giải quyết hồ sơ hành chính?
 
- Sau khi chia tách, sáp nhập lại các thôn, tổ dân phố, đương nhiên có những khó khăn bước đầu về giải quyết hồ sơ hành chính. Điều chỉnh địa giới liên quan đến điều chỉnh hộ khẩu cũng như điều chỉnh một loạt giấy tờ khác trong giao dịch hành chính. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng các quận huyện đều tìm được các biện pháp chỉ đạo quyết liệt. Không thể để chuyện này gây khó khăn hay làm ảnh hưởng tới việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định điều này phải được ưu tiên số một trong quá trình thay đổi địa giới, thành lập mới các tổ dân phố. Nhìn chung giao dịch hành chính không gặp vướng mắc lớn phát sinh so với trước kia, mà lại thuận lợi hơn cho công tác quản lý, nên tôi thấy đa phần nhân dân ủng hộ. 
 
Bà có kiến nghị hay đề xuất gì trong công tác này không?
 
- Tôi đánh giá cách quản lý tổ dân phố theo mô hình này là rất phù hợp với khu vực nội thành. Chỉ có điều, TP cần tiếp tục theo dõi khảo sát xem còn những gì bất hợp lý nảy sinh trong quá trình quản lý dân cư, từ đó tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh cơ chế chính sách cho phù hợp, để không gây xáo trộn đời sống người dân. 
 
Xin cảm ơn bà!
 
Theo Kinh tế và Đô thị
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo