Thị trường

Điều chỉnh vốn sở hữu Nhà nước tại một loạt đơn vị dầu khí

(DNVN) - Thủ tướng yêu cầu từ nay đến năm 2017, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) (PVN) điều chỉnh vốn một số đơn vị dầu khí sở hữu vốn Nhà nước.

Trước tiên Thủ tướng yêu cầu thoái thêm vốn và chuyển đổi công ty TNHH một thành viên Lọc hoá dầu Bình Sơn, đơn vị quản lý, vận hành sản xuất kinh doanh Nhà máy lọc dầu Dung Quất thành công ty TNHH hai thành viên.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hai phương án được đưa ra là chuyển đổi công ty từ TNHH một thành viên sang hai thành viên, PetroVietnam nắm 51% vốn điều lệ; hoặc cổ phần hóa công ty, đơn vị này nắm tối thiểu 65% vốn. Theo đề án tái cơ cấu được phê duyệt trước đó, PetroVietnam sẽ thực hiện cổ phần hóa Lọc hóa dầu Bình Sơn, song tỷ lệ cổ phần bán ra bên ngoài chỉ là 25%.

Việc Nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu tại Dung Quất diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp đang kêu gọi đầu tư từ bên ngoài. Một công ty con của Tập đoàn khí đốt quốc doanh Gazprom là Gazprom Neft (dầu khí hàng đầu của Nga) đang trong quá trình đàm phán với phía Việt Nam để mua 49% cổ phần doanh nghiệp vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất của công ty Bình Sơn.

Ngoài việc thoái vốn tại Dung Quất, PVN cũng tiến hành cổ phần hóa Tổng công ty Điện lực đầu khí Việt Nam, giảm tỷ lệ sở hữu tại Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) xuống 36%; tiếp tục nắm giữ 25,34% vốn điều lệ của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp dầu khí, điều chỉnh tỷ lệ góp vốn tại công ty Hóa dầu Long Sơn lên 29%...

Theo báo cáo mới đây của Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí, dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) có vốn đầu tư 2,7 tỷ USD có nhiều khả năng chậm tiến độ. Việc sáp nhập nhà đầu tư QPI (Qatar Petroleum International) - đối tác góp vốn trong Công ty TNHH Lọc dầu Long Sơn vẫn đang được tiến hành. Do đó, QPI vẫn chưa cử nhân sự tham gia Lọc dầu Long Sơn. 

Tuấn Hải
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo