Tin tức - Sự kiện

Định đoạt số phận Venture 2: Rắc rối

Chỉ còn 40 ngày nữa, nếu ụ nổi Venture Dock 2 (VD2) không được làm thủ tục hải quan, nó có thể bị bán thanh lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, rất nhiều đơn vị đang có quyền lợi liên quan đến VD2, nên việc định đoạt số phận VD2 khá rắc rối.

Giữ để thi hành án

 

Tháng 9/2007, Công ty Cổ phần Thương mại và Vận tải biển Long Sơn (Công ty Long Sơn) ký hợp đồng mua tàu Vinashin Tiger của Công ty TNHH Một thành viên vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines, chủ của tàu Hoa Sen, trước thuộc Vinashin, nay thuộc Vinalines) với tổng trị giá 21,7 triệu USD.

 

Ngày 23/10/2007, hai bên đã giao nhận tàu Vinashin Tiger. Sau ba đợt Công ty Long Sơn thanh toán tiền cho Vinashinlines, ngày 25/4/2008, hai bên ký phụ lục hợp đồng số 02/PLHĐ/07.

 

Theo đó, Công ty Long Sơn còn nợ 2.761.850 USD, phải hết nợ cho Vinashinlines trước ngày 31/10/2008. Tuy nhiên, Công ty Long Sơn không trả số tiền này, nên bị Vinashinlines kiện ra Tòa.

 

Tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm vụ án dân sự “tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”, đại diện Công ty Long Sơn trình bày, do Vinashinlines đã bàn giao tàu có khiếm khuyết mà không thông báo cho Công ty Long Sơn biết, nên Công ty Long Sơn không trả số tiền còn thiếu nợ.

 

Công ty Long Sơn còn đòi Vinashinlines phải bồi thường chi phí sửa chữa tàu Vinashin Tiger là 2,462 triệu USD và thiệt hại do ngừng khai thác tàu là 1,575 triệu USD.

 

Tuy nhiên, Tòa án Nhân dân quận Bình Thạnh (sơ thẩm) và Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh (phúc thẩm) đều bác yêu cầu phản tố của Công ty Long Sơn, thuộc Công ty Long Sơn phải trả Vinashinlines 3,17 triệu USD (tương đương 61,8 tỷ đồng) gồm nợ gốc và lãi, trả làm một lần ngay khi án có hiệu lực pháp luật.

 

Do trên hồ sơ, Công ty Long Sơn đang là chủ VD2, nên theo yêu cầu của Vinashinlines, ngày 6/3/2012 Chi cục Thi hành án quận Bình Thạnh (THABT), TP. Hồ Chí Minh đề nghị Cảng vụ Hàng hải Nha Trang (CVNT) không cấp phép rời cảng cho VD2, để bảo đảm thi hành án.

 

Nhiều đơn vị có quyền lợi liên quan VD2

 

Cũng ngày 6/3/2012, Cục Hải quan Khánh Hòa làm việc với Công ty cổ phần Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (VSP) về VD2. Theo trình bày của VSP, ngày 21/4/2009, Công ty Long Sơn đã ký hợp đồng kinh tế số 01/HĐKT-2009, bán VD2 cho công ty con của VSP là Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hải Nam Việt với giá 15,5 triệu USD.

 

Tuy theo hợp đồng, Công ty Long Sơn chịu mọi trách nhiệm pháp lý đối với VD2, nhưng VSP có quyền lợi và trách nhiệm liên quan đến VD2.

 

Trong khi đó, làm việc với Hải quan Khánh Hòa ngày 26/4/2012, bà Trần Thị Hiền, Giám đốc Công ty Long Sơn cho biết, Công ty Long Sơn vay tiền của Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Bắc Hà Nội để mua VD2, rồi lấy chính VD2 thế chấp, làm tài sản bảo đảm.

 

Hiện nay, Công ty Long Sơn đang chờ ý kiến của Ngân hàng BIDV về việc bán VD2 cho đối tác nước ngoài. Có thể hiểu, Ngân hàng BIDV có quyền quản lý, định đoạt đối với VD2.

 

Mặt khác, Công ty Long Sơn cũng đang nợ CVNT khoảng 50.000 USD tiền phí, lệ phí hàng hải phát sinh do vệc neo đậu của VD2, nợ một Công ty khác 300 triệu đồng.

 

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Hải quan Khánh Hòa cho biết, theo quy định của pháp luật về hải quan, trong vòng 180 ngày kể từ ngày 26/4 (ngày Công ty Long Sơn đến làm việc với Hải quan Khánh Hòa), Công ty Long Sơn phải làm thủ tục hải quan cho VD2.

 

Quá thời hạn này, nếu Công ty Long Sơn không làm thủ tục hải quan, VD2 sẽ bị bán đấu giá thanh lý.

 

Hai tháng đã trôi qua, Hải quan Khánh Hòa chưa liên lạc được với đại diện Công ty Long Sơn. Còn 40 ngày nữa, số phận VD2 sẽ được định đoạt trong mớ rắc rối về quyền quản lý, định đoạt VD2 của Công ty Long Sơn, Vinashinlines, VSP và Ngân hàng BIDV.

 

Theo TP

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo