Đổ bệnh vì ăn tiệc cuối năm
Vào mùa Tết, tiệc tùng nhiều nên cơ thể tiếp nhận nhiều chất đạm, chất béo, bia, rượu, nước giải khát có gas,… là nguyên nhân làm gia tăng các bệnh về tiêu hóa, cơ xương khớp.
Bệnh gut ‘quậy’ vào mùa Tết
Theo BS Hồ Phạm Thục Lan, Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân Dân 115, mùa Tết là mùa của bệnh gut.
Bản thân những ngày tết không sinh ra bệnh gut. Thế nhưng, mùa này lại là mùa khốn khổ cho các bệnh nhân bị gut đã, đang và chưa phát hiện được bệnh.
Vào những ngày tết này, mọi người đều phải hối hả. Có những người hối hả hoàn thành công việc trong năm, dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị thức ăn cho mấy ngày tết. Trong nhịp sống hối hả đó, người ta cũng còn phải cố gắng dành thời gian để tranh thủ tham gia các bữa tiệc tất niên. Đây là phần sôi động nhất, vui nhất của một mùa tết. Và dù cho thành công hay thất bại gì đi nữa thì mọi người đều ăn tất niên, ăn nhậu một cách nhiệt tình dường như để tống tiễn năm cũ, chuẩn bị đón một năm mới.
Trong số những người tham gia tất niên, sau một bữa tiệc linh đình với bia bọt và đủ thứ mồi nhậu, tự nhiên tối hôm đó hay ngày hôm sau họ cảm thấy đau dữ dội ở ngón chân cái, có người đau ở cổ chân hay gối. Có người tệ hơn là ngoài cơn đau còn bị sưng các khớp nhất là khớp gối và cổ chân.
Bệnh gut (gout tiếng Anh hay goutte tiếng Pháp) là bệnh nằm trong nhóm bệnh lắng tụ tinh thể do tình trạng axít uric (acide urique) tăng cao trong máu, gây ra các đợt viêm khớp ngoại biên tức là viêm các khớp chân tay đặc biệt hay xảy ra ở ngón chân cái, tình trạng viêm này là do các con bạch cầu được ví như các lính chiến đấu trong cơ thể đi dọn dẹp các tinh thể này.
Nồng độ axít uric trong máu càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Có nhiều nguyên nhân gây tăng axít uric làm thúc đẩy bệnh như thức ăn, bia rượu. Trong đó chất cồn do uống bia, rượu là nguyên nhân quan trọng làm tăng axit này.
Khi khởi phát, bệnh nhân thường đau nhức khớp ngón chân cái, khớp cổ chân hoặc khớp gối, càng nhức dữ dội hơn lúc nửa đêm; chỗ đau thường sưng tấy, nóng, đỏ. Cắt cơn đau gút không khó, nhưng để không tái phát bệnh và biến chứng thì không dễ. Nếu để cơn gút khởi phát nhiều lần sẽ gây hủy khớp, tàn phế và cần phải phẫu thuật tái tạo khớp.
Chiến đấu nhưng coi chừng “hi sinh”
Cách tốt nhất để hạn chế cơn gut cấp bột phát là bệnh nhân nên tuân thủ chế độ ăn kiêng. Hầu hết những món ăn ngày Tết thường chứa nhiều chất đạm có hàm lượng purin cao sẽ chuyển hóa thành axit uric, là thành phần chính gây nên bệnh gut. Vì vậy, không nên ăn nhiều đạm từ thịt, cá, hải sản, thay vào đó nên sử dụng đạm từ trứng, sữa, phô mai, đồng thời nên ăn nhiều rau củ quả (hạn chế đậu đỗ và những loại quả chua).
Tuyệt đối không ăn phủ tạng động vật (óc, tim, gan, thận,...), cá trích,…do hàm lượng purin trong các loại thực phẩm này rất cao. Ngoài ra, việc uống bia, rượu nhiều sẽ gây kích hoạt men tổng hợp axít uric. Đảm bảo uống đủ 1,5-2,5 lít nước/ngày, tăng cường uống nước lọc, nước ép trái cây, nhưng nên hạn chế các loại nước giàu vitamin C.
Đừng xem thường chứng đầy hơi, khó tiêu
Theo ThS BS Lê Thị Tuyết Phượng, Khoa Tiêu hóa, BV Nhân Dân 115, dịp Tết cũng là dịp của bệnh khó tiêu, đầy hơi vào mùa. Lượng bệnh nhân mắc các bệnh về tiêu hóa tăng nhiều so với ngày bình thường. Thường gặp nhất là tình trạng rối loạn tiêu hóa với triệu chứng: đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn ói, táo bón, tiêu chảy.
Trong một số trường hợp, bệnh có thể tự khỏi hoặc chỉ cần điều trị với vài loại thuốc thông thường. Tuy nhiên, một số trường hợp khác, đầy hơi, khó tiêu lại là biểu hiện của các bệnh lý rối loạn tiết dịch dạ dày, phá hủy hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày, làm mất cân bằng giữa yếu tố “bảo vệ” và “phá hủy” bên trong dạ dày, dẫn đến viêm dạ dày, loét dạ dày, thậm chí có thể ung thư.
Theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, xu hướng ăn uống bên ngoài ngày càng phổ biến, nhất là vào những dịp cuối năm. Món ngon, vị lạ của nhà hàng luôn làm cho thực khách cảm thấy ngon miệng và ăn nhiều hơn nhưng lại ẩn chứa nhiều nguy cơ bất lợi cho sức khỏe. Trong mỗi dịp Tết đến, thói quen ăn uống thường ngày bị thay đổi. Các món ăn nhiều chất đạm như giò, chả, nem,...hoặc chỉ ăn toàn bột đường như mứt, kẹo,...giờ ăn cũng không cố định, ghé thăm nhà này ăn một chút, đến nhà khác bạn lại được mời ăn nên dạ dày làm việc quá sức và khó tránh khỏi những rối loạn tiêu hoá đặc biệt là tiêu chảy cấp.
Với những người có tiền sử đau dạ dày, trong những ngày cận Tết, do căng thẳng, dọn dẹp nhà cửa nên ăn uống không đúng bữa, hoặc ăn nhiều chất kích thích làm tăng tiết axít dạ dày,… cũng làm cho bệnh tái phát hoặc nguy cơ xảy ra các biến chứng như xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày. Còn ở trẻ nhỏ, mùa này thường gặp nhất là chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Ngoài ra, ngộ độc thức ăn thường gặp vào dịp Tết do ăn thức ăn không đảm bảo vệ sinh, không bảo quản tốt, thức ăn chứa nhiều hóa chất độc hại.
Vì vậy, để hạn chế bệnh, trẻ nhỏ cần duy trì chế độ ăn như ngày thường. Thức ăn chỉ nên chế biến đơn giản, không cầu kỳ, không quá nhiều gia vị. Kiểm soát khẩu phần ăn của trẻ để không lạm dụng quá nhiều bánh, kẹo, mứt, nước ngọt. Cho trẻ ăn nhiều trái cây, uống đủ nước. Người lớn cần hạn chế ăn nhiều thức ăn chiên xào, nhiều chất béo, không ăn quá nhiều thịt, không uống quá nhiều rượu, bia, các loại nước có gas. Không mua dự trữ quá nhiều thực phẩm, loại bỏ những thực phẩm kém chất lượng, nghi ngờ không đảm bảo vệ sinh, hư hỏng.
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo