Thị trường

Doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ giải thể nhiều nhất

Khó khăn trong sản xuất kinh doanh với tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng cao trong quý 1/2012 đã đậm nét hơn trong cả báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội.

Báo cáo ngày 17/4 của Chính phủ trình bày tại phiên họp sáng 20/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cập nhật số doanh nghiệp khó khăn lớn hơn các con số tại các báo cáo trước đó, cùng trong ba tháng đầu năm 2012. 

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, trên 2.400 doanh nghiệp (số công bố tại họp báo thường kỳ tháng 3 của Chính phủ là trên 2.200 - PV) đã làm thủ tục giải thể và khoảng trên 11.600 doanh nghiệp (9.700 là con số tại họp báo Chính phủ) đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện các nghĩa vụ thuế. 

 

Như vậy, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước.

 

Trong tổng số doanh nghiệp đã giải thể, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đăng ký giải thể nhiều nhất (chiếm 26,1%); tiếp đến là ngành công nghiệp, khai khoáng (14,7%), ngành xây dựng và bất động sản (10,7%) và ngành vận tải - kho bãi (9,9%). 

 

Chính phủ cũng cho biết, trong quý 1/2012 cả nước có 17,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 100,3 nghìn tỷ đồng, giảm 6% về số lượng doanh nghiệp và giảm 10% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011. 

 

Đưa lại những con số về tình hình khó khăn của doanh nghiệp, song tại báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế có thêm một phân tích, đó là riêng số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể tăng 62,18%. 

 

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian còn lại của năm 2012, Ủy ban Kinh tế đã kiến nghị tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện các biện pháp triệt để tiết kiệm, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất, đồng thời tăng cường các biện pháp phát triển thị trường, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm tình trạng tồn đọng hàng hóa. 

 

Theo cơ quan thẩm tra, cần có giải pháp cụ thể nâng cao năng lực quản trị của các doanh nghiệp theo hướng hiệu quả, cạnh tranh và minh bạch thông tin, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhà nước.

 

Có chính sách, biện pháp tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn và giảm lãi suất đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nhưng phải bám sát tín hiệu thị trường và triển vọng nền kinh tế, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. 

 

Theo đó, cần bảo đảm chất lượng tín dụng và an toàn hệ thống, ngăn ngừa nợ xấu tăng cao, thận trọng, chặt chẽ trong việc nới lỏng tín dụng cho các khu vực phi sản xuất, tránh những can thiệp hành chính liên quan đến cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, giãn nợ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nêu quan điểm. 

 

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội các giải pháp trong thời gian tới, Chính phủ cũng nhấn mạnh việc tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Trong đó có tiếp tục lộ trình giảm lãi suất, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, kích thích tiêu thụ và tiêu dùng nhằm giảm hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. 

 

Tại phiên thảo luận buổi chiều, Bộ trưởng Vinh cho biết trung tuần tháng 5 sẽ có bức tranh toàn cảnh về doanh nghiệp với độ chính xác cao hơn để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo VnEconomy

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo