Doanh nghiệp bất động sản phải có 50 tỷ đồng
Việc định ra ngưỡng pháp định về vốn cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản mà có 6 tỷ quả thật là hơi thấp. Đây là sự bất cập và việc cần thiết phải điều chỉnh lại ngưỡng vốn pháp định theo yêu cầu của Nhà nước đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thì việc điều chỉnh theo hướng tăng lên tôi thấy rất cần thiết.
Đây là ý kiến của ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội xung quanh vấn đề tăng vốn pháp định đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Đây là nội dung được Bộ Xây dựng đề xuất đưa vào Luật Kinh doanh Bất động sản vừa được đưa ra lấy ý kiến tại Quốc hội
Thưa ông, theo quy định hiện hành về vốn pháp định đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chỉ có 6 tỷ đồng, quy định này đã tạo ra những lỗ hổng như thế nào đối với chủ đầu tư?
Chúng ta thấy lĩnh vực kinh doanh bất động sản có một đặc thù rất đặc biệt, liên quan đến nhiều lĩnh vực, ngàng nghề khác, mà chịu sự rủi ro cao, lợi nhuận mang lại rất lớn và tính pháp lý rất cao. Việc định ra ngưỡng pháp định về vốn cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản mà có 6 tỷ quả thật là hơi thấp. Bởi vì, chúng ta không thể đánh đồng giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ, các quy mô đầu tư chiến lược hoàn thiện với quy mô hơn mấy ngàn tỷ đồng và quy mô chỉ mấy tỷ đồng.
Đây là sự bất cập và việc cần thiết là phải điều chỉnh lại ngưỡng vốn pháp định theo yêu cầu của Nhà nước. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh BĐS thì việc điều chỉnh theo hướng tăng lên tôi thấy rất cần thiết.
Việc quy định vốn pháp định 6 tỷ đồng có phải là một trong những nguyên nhân tạo nên tình trạng rất nhiều nhà đầu tư vẽ lên nhiều dự án hàng nghìn tỷ đồng rồi sau đó không thực hiện được?
Đây chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn tới hệ luỵ, những hậu quả mà dự án không thực hiện được, để lại hậu quả lớn cho khách hàng và gây mất trật tự quản lý xã hội. Vốn pháp định đối với hoạt động kinh doanh BĐS là 6 tỷ đồng đó cũng chỉ là một trong những nguyên nhân. Bởi vì, việc quản trị với doanh nghiệp, các ảnh hưởng chính trị và các yếu tố khách quan khác ảnh hưởng đến các dự án, làm cho các Tập đoàn xây dựng không thực hiện được.
Để điều chỉnh lại vốn pháp định đúng với các công ty kinh doanh về lĩnh vực đặc thù của BĐS thì có lẽ 6 tỷ đồng không phù hợp với các giai đoạn trước đây và cả với giai đoạn xu hướng Việt Nam tham gia vào WTO và các thị trường thương mại Thái Bình Dương yêu cầu về sức khoẻ tài chính. Đấy cũng là một yêu cầu mà tôi thấy Bộ Xây dựng đề xuất hợp lý, còn hợp lý như thế nào thì chúng ta còn phải xem xét từng trường hợp cụ thể.
Theo ông, đề xuất mới đây của Bộ Xây dựng về việc nâng vốn pháp định của các công ty bất động sản lên mức 50 tỷ đồng có ý nghĩa tích cực như thế nào và bước sàng lọc đầu tiên đối với các công ty, doanh nghiệp yếu kém?
Trước hết, chúng ta phải ghi nhận đó là những rào cản về mặt kỹ thuật tài chính để sàng lọc những doanh nghiệp yếu kém tham gia vào thị trường chung bất động sản. Đây đã là luật thì có nghĩa là việc thận trọng và thu thập các thông tin, các phản ứng, phản biện mà các công ty xây dựng trong cộng đồng kinh doanh bất động sản tôi thấy rất cần thiết.
Ví dụ như 50 tỷ đồng đối với những tập đoàn đầu tư xây dựng lớn có vốn hàng nghìn tỷ đồng thì 50 tỷ đồng chẳng có nghĩa lý gì. Nhưng với những mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, mà đa số ở Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ lẻ. Đặc biệt chúng ta còn có cả những mô hình Hợp tác xã, vốn của các xã viên rất nhỏ. Quy mô đầu tư xây dựng của mỗi một địa phương lại có những chính sách khác nhau, phù hợp với chính sách phát triển của địa phương mình.
Cho nên, nếu lấy cái cân bằng là cứ đánh đồng 50 tỷ thì vô hình trung các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các mô hình Hợp tác xã sẽ bị thủ tiêu, không thực hiện được. Như thế, các yêu cầu về phát triển kinh tế của các vùng miền, vùng sâu vùng xa có thể lại bất cập về việc phân phối nguồn lực phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là lĩnh vực phát triển bất động sản. Cho nên, có thể việc linh động hoặc đối với cả những trường hợp cụ thể thì Chính Phủ sẽ quy định từng giai đoạn, từng quy mô của dự án hay là địa phương.
Nhưng nếu như làm không cẩn thận, có thể sinh ra việc cơ chế xin cho và lại dẫn đến một loạt tiêu cực đằng sau đó. Bởi vì, đã là luật thì tôi nghĩ cần phải thận trọng, nghe ngóng tất cả các sự phản ứng, đặc biệt ưu tiên cho việc phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu như việc phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực bất động sản thì lại là một vấn đề mà chúng ta cần dành thời gian để quan tâm tới việc mà khi định nó ra một cái ngưỡng, cái cân bằng, đó là 50 tỷ đồng.
Muốn thành lập công ty kinh doanh bất động sản, phải chứng minh được tài chính, chứng minh được vốn pháp định 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, liệu thực tế các doanh nghiệp có dễ dàng lách luật để chứng minh được điều này và 50 tỷ có phải là con số mà doanh nghiệp hoàn toàn có thể chứng minh được?
Chúng ta thấy, kể cả 6 tỷ đồng thôi thì việc lách luật vẫn cứ diễn ra hàng ngày. Vì chúng ta chưa có một cơ quan nào được chỉ định là sẽ kiểm tra về tài chính. Sau khi doanh nghiệp đã đóng và được cấp giấy chứng nhận đầu kinh doanh và cả đăng ký vốn pháp định. Mà việc đăng ký vốn pháp định là ý nghĩ chủ động của các doanh nghiệp. Đấy cũng là ngưỡng mà pháp luật quy định khi thành lập phải có vốn pháp định, yêu cầu tối thiểu để doanh nghiệp hoạt động được ở các lĩnh vực ngành nghề có các đặc thù như bảo hiểm ngân hàng, kinh doanh bất động sản.
Đây chính là một cái cửa còn ngỏ để các cơ quan pháp lý đưa ra các tiêu chí về vốn pháp định. Đồng thời, cũng phải xem lại các công cụ để giám sát, bảo đảm việc tuân thủ của các doanh nghiệp.
Đương nhiên, bên cạnh những công cụ siết chặt doanh nghiệp thì cũng phải có cả những công cụ khuyến khích các doanh nghiệp phát triển kinh tế, tránh trường hợp chỉ đưa ra rồi để đó không có các chế tài xử lý nghiêm mà doanh nghiệp thì phải tìm cách né tránh. Đây cũng là quan hệ song phẳng giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Như Trâm (thực hiện)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo