Doanh nghiêp còn nhiều “lo lắng” khi tham gia TPP
Để có thể tận dụng các lợi thế của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại, bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, các doanh nghiệp (DN) cần phải tự vươn lên, nâng cao năng lực sản xuất bằng cách đổi mới công nghệ, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao về hàng hóa, nâng cao khả năng quản trị của DN.
Ngày 18/12 tại TPHCM, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Viện Chiến lược & Chính sách Tài chính (CL&CSTC) Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tác động tiềm năng đến kinh tế Việt Nam” nhằm đánh giá những tác động của TPP tới nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Theo đánh giá của Vụ cChính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), việc tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam cải thiện cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu, tham gia vào các chuỗi sản xuất khu vực và quốc tế; hoàn thiện môi trường thể chế, tạo thuận lợi cho tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, qua đó, tăng tính hấp dẫn với đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, tạo năng lực sản xuất mới.
Đại diện các Hiệp hội ngành hàng cho rằng, bên cạnh những cơ hội mà TPP mang lại, các DN Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức. Bản thân DN chưa có sự chuẩn bị kỹ càng, thiếu thông tin về TPP, cần được hỗ trợ thêm thông tin và hướng dẫn pháp lý để đảm bảo các cơ hội kinh doanh trong bối cảnh hội nhập sâu của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới.
Luật sư Trần Hải Đức, Phó Chủ tịch Hội Chất lượng TPHCM cho rằng, các Hiệp hội ngành hàng chưa có kế hoạch cụ thể để có thể đón những cơ hội từ TPP mang lại. Trong khi nhiều DN nước ngoài đã nhanh chóng đầu tư vào Việt Nam để “đón sóng” TPP, nhất là các DN thuộc ngành da giày, dệt may - những ngành được cho là thế mạnh của Việt Nam.
Bên cạnh đó, hiện nay hầu như các mặt hàng nông sản của Việt Nam chưa đảm bảo được tiêu chuẩn kỹ thuật các nước phát triển đặt ra, trong đó có các nước thuộc TPP. Chính vì vậy nếu có lợi thế xuất khẩu, thuế suất giảm nhưng hàng hóa không đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật mà các nước đặt ra thì lợi thế đó sẽ không còn.
Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Hội DN trẻ tỉnh Đồng Nai bày tỏ lo lắng về ngành chăn nuôi. Theo ông Bình, hiện nay ngành chăn nuôi heo trong nước năng suất chỉ bằng khoảng 30% các nước phát triển. Thời gian tới, nếu gia nhập TPP, thuế quan giảm mạnh và nguy cơ thịt gia súc các nước ồ ạt vào Việt Nam. Điều này sẽ tạo sức ép cạnh tranh rất lớn cho ngành chăn nuôi trong nước.
Để tận dụng các lợi thế mà TPP mang lại, theo các đại biểu tham dự hội thảo, bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, các DN Việt Nam cần phải tự vươn lên, nâng cao năng lực sản xuất bằng cách đổi mới công nghệ, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao về hàng hóa, nâng cao khả năng quản trị của DN... mới có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, các chính sách hỗ trợ DN trong nước cần có sự thống nhất giữa các bộ, ngành, có sự “liên thông” giữa các bộ, ngành để tạo thuận lợi cho quá trình phát triển của DN.
Để giúp các DN Việt Nam tham gia hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là các DN vừa và nhỏ, vừa qua (ngày 12/12), Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cùng Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thành lập Liên minh Thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam (VTFA) nhằm tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam, giúp các DN vừa và nhỏ (SME) tham gia vào chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu.
Theo Chinhphu.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Báo động tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam
Cột tin quảng cáo