Thị trường

Doanh nghiệp du lịch la làng vì bị nhái tên

Không tốn nhiều công sức, chỉ cần đặt tên y chang hay thay vài chữ từ tên thương hiệu lớn là có được nguồn khách từ doanh nghiệp kia.

Theo đánh giá của Hiệp hội Du lịch TP.Hồ Chí Minh tại hội thảo “Vai trò của pháp luật trong bảo vệ thương hiệu du lịch Việt”, tình trạng trục lợi bằng cách đặt tên trùng với doanh nghiệp lớn đang là vấn đề nan giải. Chủ các doanh nghiệp nhái tên thường là nhân viên, người thân của nhân viên làm ở các công ty du lịch có tiếng hoặc là người trong ngành. Điều nguy hiểm nhất là các thương hiệu nhái lại được thừa nhận nên doanh nghiệp bị nhái thương hiệu chỉ biết “ngậm đắng nuốt cay”.

“Nhái nguyên con”

Bà Lê Thị Như Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Hòa Bình Việt Nam, cho biết trước đây Công ty Du lịch Hòa Bình là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Khoảng giữa năm 2011, công ty được chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình Việt Nam. Biết thông tin, một nhân viên công ty đã thành lập một doanh nghiệp khác lấy tên Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình TP.Hồ Chí Minh và “mượn” luôn cả logo, chương trình tour và hình ảnh của Hòa Bình Việt Nam để quảng bá.

Cũng theo bà Hà, sự xuất hiện của Hòa Bình TP.Hồ Chí Minh đã gây tổn hại cho Hòa Bình Việt Nam vì khi họ chào tour thì khách hàng tưởng là Hòa Bình Việt Nam. Khách hàng đến phản ánh tour không chất lượng, Hòa Bình TP.Hồ Chí Minh giải thích họ là chi nhánh Hòa Bình Việt Nam…

Bà Trần Thị Mộng Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Vận chuyển Hành Trình Việt, chia sẻ dẫu chỉ là một công ty nhỏ hoạt động 14 năm trong ngành nhưng cũng bị nhái đủ kiểu. Hiện đã có gần 10 công ty mang tên Hành Trình Việt với một vài thay đổi nhỏ. “Các doanh nghiệp mạo danh đặt vé xe giá rẻ nhưng sau không thanh toán khiến các đối tác gửi hóa đơn đến công ty tôi đòi thanh toán. Nhờ luật sư can thiệp thì không xử lý được. Đối chất thì họ trưng giấy phép kinh doanh ra nên cũng không biết phải xử lý thế nào” - bà Hồng bức xúc.

Thậm chí “chúng tôi kiện thì doanh nghiệp kia kiện ngược lại vì họ cũng có giấy phép đàng hoàng. Chẳng thể hiểu nổi! Có trường hợp khách hàng gọi đến chúng tôi bảo chờ mãi không thấy ra hướng dẫn, sau tìm hiểu mới biết công ty nhái chôm cả tờ hướng dẫn chương trình có số điện thoại liên lạc của chúng tôi” - ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty TNHH Dã ngoại Lửa Việt, phát biểu trong tâm trạng hết sức phẫn nộ.

Chế tài như gãi ngứa

Theo các doanh nghiệp du lịch, mặc dù rất bức xúc với việc bị nhái thương hiệu nhưng chuyện đem hồ sơ đi kiện không dễ dàng. Nếu kiện chưa chắc thắng được vì doanh nghiệp nhái đã được cấp giấy phép, hay việc chứng minh thiệt hại cũng rất khó, có doanh nghiệp đi kiện như Lửa Việt còn bị kiện ngược lại…

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.Hồ Chí Minh, nhận định vướng mắc hiện nay chính là các quy định chế tài chưa đủ mạnh. Điều 17 Nghị định 43/2010 về đăng ký kinh doanh có quy định về đặt tên doanh nghiệp khá rõ ràng. Thế nhưng trên thực tế, không bao giờ doanh nghiệp bị vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đạt được mục đích là yêu cầu doanh nghiệp có tên vi phạm phải đổi tên. Cụ thể, theo Nghị định 43, kể từ ngày ra thông báo mà doanh nghiệp vi phạm không đổi tên theo yêu cầu, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, trong tất cả nghị định, thông tư về sở hữu trí tuệ không có quy định buộc chủ thể vi phạm phải đổi tên doanh nghiệp.

Cũng theo luật sư Hậu, dù doanh nghiệp trong ngành du lịch đặt tên vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp khác cùng lắm chỉ bị phạt hành chính. Nếu vậy chẳng khác nào gãi ngứa, bởi mức phạt hành chính hiện nay rất ít so với nguồn lợi bất chính thu về. Chính vì vậy trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ liên quan đến đặt tên doanh nghiệp cần có quy định cho phép cơ quan xử lý vi phạm hành chính có quyền tước giấy phép kinh doanh của đối tượng vi phạm khi đối tượng này đã bị xử phạt hành chính lần đầu về hành vi sử dụng nhãn hiệu, sau đó vẫn không chịu đổi tên.

Bên cạnh đó, quy định buộc doanh nghiệp chứng minh thiệt hại trước tòa do bị vi phạm quyền sở hữu công nghiệp là rất khó, đến luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh, cũng bảo là bó tay. Ông cho rằng giải pháp phòng vệ cho doanh nghiệp hiện nay vẫn là đăng ký sở hữu trí tuệ, đồng thời nên mua lại các tên miền liên quan đến tên doanh nghiệp mình. Đã có trường hợp doanh nghiệp mua gần 20 tên miền cho tên của mình và đó là một phòng vệ tốt.

Nghị định 43 ra đời nhằm khắc phục những sơ hở trong Luật doanh nghiệp năm 2005 nhưng đến 1-1-2011 nghị định mới có hiệu lực nên xảy ra tình trạng vi phạm trước đó khá nhiều. Biện pháp chế tài cũng có nhưng chưa đủ, chưa quy định rút giấy phép kinh doanh như hình thức chế tài cao nhất. Chúng tôi sẽ xem xét nghiên cứu đề xuất thêm quy định về việc nhái thương hiệu, trong đó có việc rút giấy phép kinh doanh. Trong lúc chờ đợi sự thay đổi hợp lý hơn, các doanh nghiệp du lịch cần tự bảo vệ mình, quan tâm hơn đến đăng ký sở hữu trí tuệ. TS TRẦN DU LỊCH, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh.

Trục lợi bằng cách nhái thương hiệu gây nhầm lẫn là hành vi đáng lên án. Về phía hiệp hội, chúng tôi sẽ kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý, kiến nghị đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét những lỗ hổng ở cả trung ương và địa phương. Thực thi pháp luật rất quan trọng, nếu thực thi đầy đủ các quy định thì dù pháp luật chưa hoàn chỉnh sẽ không xảy ra tình trạng hiện nay. Chúng tôi cũng sẽ kiến nghị Tổng cục Du lịch tìm ra giải pháp xử lý, bao gồm cả giải pháp xử phạt hành chính. Ông VŨ THẾ BÌNH, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam

 

 

Việt Huế (Theo Pháp luật TP.HCM)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo