Thị trường

Doanh nghiệp game online chết mòn

Quy định cũ về quản lý game online đã lạc hậu, quy định mới vẫn còn dự thảo chưa biết khi nào sẽ ban hành. Gần hai năm trôi qua, doanh nghiệp kinh doanh game online tại Việt Nam đang phải “án binh bất động” nhìn thị trường bị game nước ngoài thâu tóm.

Trói tay trói chân…

 

Thông tư số 60/2006 của liên bộ Văn hóa - Thông tin, Bưu chính - Viễn thông, Công an về quản lý trò chơi trực tuyến (game online) ban hành từ năm 2006 đến nay đã lạc hậu với tình hình thực tế nhưng trên nguyên tắc, văn bản này vẫn còn hiệu lực pháp luật.



Đó là cảm giác ấm ức khi phải xin rất nhiều giấy phép cho hàng loạt dịch vụ và sản phẩm, trong khi những sản phẩm mà mình phải cạnh tranh trực tiếp thì chẳng cần giấy phép gì...

Ông Lê Hồng Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Vina (VNG)

 

Ông Hoàng Trọng Hiếu - Phó giám đốc phụ trách truyền thông VTC Game - trăn trở: “Cho đến nay các quy định về quản lý, cấp phép game online đã lạc hậu và khó áp dụng vào thực tế hoạt động của lĩnh vực game online.

 

Bản dự thảo quy định mới thay thế cho Thông tư 60 cũng đã được xây dựng nhiều lần và đưa ra góp ý rộng rãi, nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. Doanh nghiệp game Việt Nam hiện nay hết sức bối rối vì phải hoạt động trong một môi trường pháp lý không rõ ràng.

 

Nếu không làm thì mất đi cơ hội phát triển, còn làm thì lại sợ trái quy định. Vòng đời của một game online rất ngắn, nếu may mắn thì chỉ trụ lại ở đỉnh cao từ ba đến năm năm.

 

Nếu tính cả yếu tố thị trường thì phải đưa ra thị trường từ bốn đến năm game thì mới có một game thành công. Trong khoảng hai năm nay, việc không thể cung cấp thêm các sản phẩm game mới thực sự đã hạn chế năng lực cạnh tranh của chúng tôi rất nhiều”.

 

Cảm giác ức chế bị trói tay, trói chân đang bao trùm lên ngành công nghiệp game online trong nước. Ông Lê Hồng Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Vina (VNG) - bức xúc: “Tôi không nói thêm về việc bất bình đẳng về mặt chính sách nữa vì đã nói quá nhiều.

 

Chỉ muốn chia sẻ với mọi người một cảm xúc thật sự của một người làm internet bảy năm ở Việt Nam. Đó là sự ấm ức khi phải ngồi làm báo cáo và giải trình về những nội dung “vi phạm thuần phong mỹ tục” trên website và diễn đàn của mình, và chịu vô số biện pháp “phạt và kỷ luật” hay “đóng cửa”, trong khi có vô vàn thông tin tương tự diễn ra hằng ngày trên những trang web nước ngoài khác có mặt tại Việt Nam…

 

Đó là cảm giác ấm ức khi phải xin rất nhiều giấy phép cho hàng loạt dịch vụ và sản phẩm, trong khi những sản phẩm mà mình phải cạnh tranh trực tiếp thì chẳng cần giấy phép gì…”.

 

Từ tháng 9/2010 đến nay, các doanh nghiệp game trong nước hầu như không được phép làm gì cả vì phải chờ nghị định mới, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài thì vẫn vô tư phát hành game tại Việt Nam.

 

Thị trường hiện nay có khoảng 30 game online thì 10 game là do các doanh nghiệp xuyên quốc gia cung cấp, thu tiền qua thẻ tín dụng. “Chúng ta "đá" trên sân nhà nhưng thua về trình độ, năng lực lại còn bị trọng tài “thổi ép” thì làm sao thi đấu?”, ông Minh ví von.

 

...và “chết mòn”

 

Trong khi các doanh nghiệp game trong nước bị siết chặt kiểm soát thì thị trường game trong nước đã có sự biến chuyển mạnh mẽ mà xu hướng tất yếu là rơi vào sự thâu tóm của doanh nghiệp nước ngoài.

 

Các game trên Facebook đều rất nổi tiếng, thu hút đông đảo người chơi, game thu hút tối thiểu cũng có cả trăm ngàn người tham gia, còn những game nổi tiếng, lượng người chơi lên đến vài chục triệu.

 

Do không phải chịu sự quản lý hay kiểm duyệt về nội dung nên game trên Facebook rất đa dạng, từ game người lớn nhạy cảm, game bạo lực hay có các yếu tố tiêu cực, kích động…

 

Các diễn đàn game online hiện nay cũng cho thấy xu hướng đang chuyển sang các game do nước ngoài cung cấp. Ông Lê Hồng Minh, cho biết: “Quy định ban hành thì chậm mà diễn biến thay đổi của ngành công nghiệp số lại rất nhanh.

 

Thực tế, một mảng kinh doanh cốt lõi của VNG là phát hành game online hoàn toàn có thể biến mất trong năm năm tới vì sự phổ biến của mạng xã hội - và trực tiếp ở đây là Facebook và các đối tác sản xuất game của họ”.

 

Mong mỏi lớn nhất của các doanh nghiệp kinh doanh game online và nội dung số hiện nay chính là sớm có một văn bản pháp quy mới rõ ràng và thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước cạnh tranh bình đẳng với các đối thủ nước ngoài. Tuy nhiên, niềm hy vọng của họ vẫn còn xa vời vợi.

 

Theo TN

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo