Tin tức - Sự kiện

Doanh nghiệp kêu phải "vắt chân lên cổ" chạy vạy thủ tục

(DNVN) - Đây là thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đưa ra tại buổi làm việc với Bộ Công Thương ngày 22/9.

Ngay đầu buổi làm việc, truyền đạt lại lời của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao việc Bộ Công Thương đã chủ động cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, giảm 40 bộ thủ tục danh mục hàng hóa, giảm 420 mã HS/720 mã phải kiểm tra trước thông quan.

Ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh đây là động thái tích cực, là bộ đầu tiên cắt giảm thủ tục, đổi mới trong phương thức kiểm tra, đặc biệt trong điều kiện nhiều bộ ngành thực hiện nhiều hoạt động kiểm tra chuyên ngành, nhưng tỉ lệ sai phạm phát hiện chỉ ở mức rất thấp là 0,06%.

Tuy nhiên, dẫn ra một vài trường hợp của doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn do hoạt động kiểm tra chuyên ngành liên quan đến Bộ Công Thương, ông Mai Tiến Dũng yêu cầu bộ này cần tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại buổi làm việc với Bộ Công Thương.

Theo ông Dũng, từ 1/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cho ông trực tiếp đứng tên trên Hệ thống tiếp nhận và trả lời ý kiến của doanh nghiệp tại địa chỉ doanhnghiep.chinhphu.vn trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Công Thương đã làm tốt việc trả lời, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề.

Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu ví dụ là kiến nghị của Công ty cổ phần Dịch vụ viễn thông TNT: “Chúng tôi khẩn thiết mong Chính phủ quan tâm đến các vấn đề này để doanh nghiệp bớt khổ. Hiện nay chúng tôi gặp rất nhiều vấn đề đối với thủ tục nhập khẩu thiết bị viễn thông.

Theo ông Dũng, đối với các thiết bị phải xin giấy phép nhập khẩu thì khi thông quan yêu cầu phải có giấy phép, muốn có giấy phép phải có hợp quy, muốn hợp quy phải đưa thiết bị về đơn vị chuyên môn đo kiểm, do đó lại phải xin giấy phép tạm nhập để đo kiểm từ Bộ Công Thương nhanh thì mất 1 tuần, đưa thiết bị về đo kiểm nhanh mất 10 ngày, xin hợp quy mất 10 ngày nếu nhanh, xin giấy phép mất 10 ngày nếu nhanh. Trong khi hải quan yêu cầu tối đa 30 ngày phải nộp giấy phép.

"Doanh nghiệp đều phải chạy vắt chân lên cổ và phải chạy vạy may ra mới kịp vì chỉ sai hay thiếu 1 giấy tờ gì là mất thêm vài ngày. Kính mong Chính phủ xem xét và đề nghị các cơ quan ban ngành phối hợp đưa ra phương án tối ưu giúp doanh nghiệp", ông Dũng nói lại lời phản ánh của doanh nghiệp.

Theo ông Dũng, về kiến nghị này, Bộ Công Thương đã trả lời nhưng chưa thuyết phục được doanh nghiệp.

 

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong năm 2016, có 110.000 doanh nghiệp thành lập nhưng số doanh nghiệp nhập viện cũng rất lớn. “Con số thành lập doanh nghiệp không có nhiều ý nghĩa nếu số doanh nghiệp đau ốm nhiều. Đây là tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu của Thủ tướng”, Bộ trưởng phát biểu.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh Bộ Công Thương cần chú ý là hiện nay có tình trạng một mặt hàng kiểm tra chuyên ngành nhưng lại bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản, nên việc sửa đổi tới đây là làm sao để một mặt hàng bị điều chỉnh ít văn bản nhất.

Bên cạnh đó là tình trạng một mặt hàng chịu kiểm tra chuyên ngành của nhiều bộ, hoặc thậm chí một bộ ngành nhưng có vài cơ quan kiểm tra, Bộ trưởng yêu cầu nếu Bộ Công Thương có tình trạng này thì cần phải rà soát hơn, theo hướng là một mặt hàng giao cho một bộ chủ trì.

Ông Dũng cũng nêu ra tình trạng kiểm tra chuyên ngành nhưng Bộ không công bố được quy chuẩn kỹ thuật, chỉ kiểm tra bằng cảm quan, bằng mắt. Do đó, cần đổi mới phương thức kiểm tra trên cơ sở là nếu mặt hàng nào để doanh nghiệp hay địa phương công bố tiêu chuẩn, thì nên để doanh nghiệp và địa phương tự công bố.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo