Doanh nghiệp khó vay vốn USD
Ông Điền Quang Hiệp, Giám đốc Công ty Mifaco (Bình Dương) cho biết, năm nay, tỷ giá USD/VND chưa có nhiều biến động, nên Mifaco mạnh dạn vay vốn ngân hàng bằng USD để đổi sang VND trả lương cho công nhân. Việc này có lợi bởi công ty có nguồn thu ngoại tệ, mà lãi vay USD chỉ 5%/năm, thấp hơn lãi vay VND (14-15%/năm).
Mifaco chỉ là một trong số nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp vay USD thay vì vay VND. Theo tính toán của các doanh nghiệp xuất khẩu, vấn đề biến động tỷ giá USD/VND năm nay không đáng lo ngại, nếu có cũng chỉ là biến động nhỏ, nên với chênh lệnh lãi vay giữa tỷ giá USD so với VND lên đến 10%, thì vay USD vẫn hấp dẫn hơn.
Giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại tại TP.Hồ Chí Minh cũng cho biết, tỷ giá USD thời gian gần đây không biến động nhiều, do năm nay tình trạng nhập siêu giảm mạnh, không xảy ra tình trạng nhập lậu vàng, nên giá USD chợ đen ít biến động. “Ngân hàng Nhà nước cũng đang dự trữ ngoại hối khá tốt, do đó tình hình tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ tương đối ổn định”, vị giám đốc chi nhánh ngân hàng này nói và cho biết, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là nguồn huy động USD khan hiếm, dẫn đến việc các ngân hàng đang tìm cách đẩy giá USD lên, nhằm huy động nguồn USD đáp ứng nhu cầu sử dụng dịp cuối năm của các doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia kinh tế, năm nay, do bị hạn chế tăng trưởng tín dụng cộng với nguồn huy động USD khan hiếm, nên các ngân hàng thận trọng khi cho vay USD. Theo đó, nhiều ngân hàng tiến hành thẩm định tài sản thế chấp kỹ hơn so với các năm trước, do vậy doanh nghiệp có thể khó tiếp cận được nguồn vốn vay USD.
Ông Điền Quang Hiệp cũng cho biết, mới đây, một doanh nghiệp có thương hiệu lớn trong Hiệp hội Chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ TP.Hồ Chí Minh (HAWA) đã không thể vay được vốn USD, chỉ vì gặp khó khăn trong khâu thanh toán.
Thừa nhận việc vay vốn bằng USD hiện nay rất khó khăn, ông Nguyễn Tấn Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thang máy Thiên Nam cho biết, hạn mức tín dụng của Công ty tại 3 ngân hàng HSBC, MBBank và Agribank khoảng 5 triệu USD (trên 100 tỷ đồng). Tuy nhiên, do việc vay USD khó khăn, nên Công ty đang phải áp dụng biện pháp nhờ ngân hàng đứng ra bảo lãnh nhập khẩu những thiết bị thang máy mà Công ty chưa sản xuất được.
Cụ thể, ngân hàng sẽ căn cứ vào hợp đồng giao dịch giữa Công ty Thiên Nam với đối tác Nhật Bản để đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp này nhập khẩu thiết bị. Khi hàng về đến cảng Việt Nam thì Thiên Nam sẽ thanh toán cho ngân hàng để lấy hàng hóa về phục vụ sản xuất. “Ngân hàng nắm đằng chuôi, nên việc doanh nghiệp có nguồn thu USD nhờ ngân hàng đứng ra bảo lãnh nhập khẩu hàng hóa là khá thuận lợi”, ông Vũ cho biết thêm.
Trần Việt (Theo Báo Đầu tư)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh