Doanh nghiệp kinh doanh điện tử: Doanh thu 10.000 tỷ đồng nhờ đâu?
10.000 tỷ đồng là một con số lớn đối với các DN VN, khi đại đa phần là các DNVVN. Nếu không như vậy đã không có “câu lạc bộ DN 10.000 tỷ”. Bài viết này không đề cập những DN lớn với vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng như Vinamilk hoặc Hoàng Anh Gia Lai, mà là những DN nhỏ hơn, chính xác là DN vừa, ở góc độ vốn điều lệ, và kinh doanh trong một lĩnh vực riêng biệt. Hai trong số các DN đó là những “ngôi sao mới nổi” khi đã cán mốc doanh thu 10.000 tỷ đồng trong năm qua.
Nhờ tái cấu trúc
Điển hình cho sự bứt phá doanh thu trong năm qua, của các DN “hạng vừa” như vậy, phải kể đến FDC – FDC Ditributions, thuộc Cty phân phối thương mại FPT (FPT Trading). Doanh thu của FDC năm 2014 đạt hơn 10.000 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2012 và hơn 15% so với năm 2013, vượt hơn 20% so với kế hoạch. Trên website chungta.vn, Tập đoàn FPT đánh giá đây là sự “cán mốc doanh thu kỉ lục”. Cùng với FDC, FPT Retail cũng có chung kết quả rực rỡ ở mốc doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng và có lãi, thay cho con số lỗ năm 2013.
Một điều có thể thấy rõ trong đặc thù của hai DN thuộc Tập đoàn FPT đã cùng gặt hái doanh thu cao, đó đều là những DN phân phối, bán lẻ mảng sản phẩm công nghệ, thiết bị điện tử, điện thoại di động, thiết bị viễn thông. Trong đó, theo đánh giá chung thì năm 2014, lượng hàng hóa do FPT phân phối gặp nhiều thuận lợi, với ngành hàng IT truyền thống (phần cứng và phần mềm máy tính) cùng "sức nóng" từ bộ đôi iPhone 6 và dòng sản phẩm Asus Zenfone chiếm tỷ trọng lớn nhất về doanh thu. Đặc biệt, sự kiện iPhone 6 và iPhone 6 Plus được FPT phân phối từ ngày 14/11 khiến doanh thu phân phối iPhone tăng vọt lên 655 tỷ đồng riêng trong tháng 11, cao xấp xỉ 5 lần so với doanh số trung bình các tháng.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành FPT Trading Hà Nội Nguyễn Quang Minh cho rằng ngoài thuận lợi của sự ra mắt những sản phẩm có sức hút mang tính toàn cầu kể trên, còn phải kể đến sự thuận lợi có tính “Xuân” của nền kinh tế. Theo đó dù sức mua, tổng cầu chung trong nền kinh tế chưa hoàn toàn khởi sắc nhưng nhu cầu tiêu dùng ở một lĩnh vực thiết bị điện tử đã mang đến cho các DN ngành hàng này điều kiện tối ưu để kinh doanh. Và đặc biệt nhất, đây cũng kết quả tái cấu trúc mà FPT Trading đã hoàn tất từ năm 2009 tới 2013.
Bước ngoặt cho nhà bán lẻ di động
Cũng chung một lĩnh vực kinh doanh, phân phối các thiết bị điện tử, điện thoại di động, CTCP Thế giới Di động (MWG) đã có một năm tăng trưởng doanh thu tốt. Từ mức 7. 822 tỷ đồng ở năm 2013, Thế giới Di động gặt doanh thu gấp đôi, với 15.800 tỷ đồng trong năm nay. Bán lẻ các mặt hàng điện tử, chủ yếu ở các thiết bị điện thoại di động, các smart phone và các phụ kiện có vẻ như đang vô cùng hấp dẫn đối với một thị trường đang có sự tăng trưởng không ngừng về nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử, điện thoại di động và sử dụng internet cũng như mạng xã hội.
Điều đáng nói là Thế giới Di Động đã có một bước ngoặt thay đổi trong lịch sử hoạt động lẫn kết quả của mình năm qua. Trong đó, đáng kể nhất là lên sàn niêm yết và bán cổ phần cho đối tác ngoại. Hiện tại, MWG đang có ít nhất 4 cổ đông lớn là các nhà đầu tư nước ngoài. Điều đó cũng có nghĩa đã và đang có các nhà đầu tư nước tác động vào “dòng máu” và thậm chí cả chiến lược hoạt động của MWC, như một bước lột xác cấu trúc?!.
Sau 10 năm thành lập và bước sang năm thứ 11 ở 2015, MWG hiện là DN bán lẻ điện tử lớn thứ hai ở VN, chỉ sau Siêu thị Điện máy Nguyễn Kim xét về mặt doanh thu. Và ở góc độ bán lẻ ngành hàng này, MWG cũng là một DN có sự bài bản trong đầu tư mở rộng.
MWG đã tập trung nhiều cho phát triển hệ thống, và tập trung vào bán điện thoại di động, thiết bị viễn thông, máy tính..., nhiều hơn là đồ điện tử gia dụng (như tivi, tủ lạnh, máy giặt…). Trong mô hình kinh doanh với hệ thống cửa hàng theo chuỗi (332 cửa hàng bán lẻ trong đó có 322 cửa hàng thegioididong.com và 17 cửa hàng bán điện máy mang thương hiệu dienmay.com), có thể thấy rõ ràng đối tượng sản phẩm mà MWG phân phối đang hoàn toàn đặt trọng tâm vào thiết bị điện thoại di động.
Cùng chung đối tượng phân phối, FPT Shop hiện đang sở hữu 155 cửa hàng và Viễn thông A có 124 cửa hàng, Viettel Stores có 180 cửa hàng, còn lại đa phần là các chuỗi bán lẻ và các cửa hàng tư nhân nhỏ lẻ (mom & pop shop). Hệ thống mạng lưới cửa hàng phủ sóng và có thể là sức mạnh áp đảo đối với một vài đối thủ, đã mang đến cho MWC một thị phần thiết bị viễn thông - điện thoại di động ước khoảng trên 20%. Trong khi đó, ở mảng mà Nguyễn Kim đang đứng nhất, bánh của MWG vẫn còn khiêm tốn với khoảng 2,7% thị phần. Việc DN có thể làm nở rộng miếng bánh khi phân phối điện lạnh, gia dụng hay không, có lẽ không chỉ phụ thuộc chiến lược đầu tư, mở rộng của MWG mà còn phải nhìn vào kì vọng của Central Group, DN tỷ phú số 1 của Thái. Họ sẽ làm gì với 49% cổ phần vừa nắm ở Siêu thị Nguyễn Kim vào năm 2015 là điều các DN ngành hàng này đang để tâm.
Cải thiện lợi nhuận - Áp lực và ẩn số!
Sự cán đích doanh thu ngoạn mục của FDC, nhà phân phối hay MWG, nhà bán lẻ trong lĩnh vực công nghệ, điện tử năm qua, tất nhiên như đã nói dù có sự “may mắn” của việc bắt đầu sức mua trong một nhánh hẹp của nền kinh tế và thị hiếu tiêu dùng, cũng vẫn phải nói rằng phần lớn là do nỗ lực và chiến lược hoạt động “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” của DN. Bởi vẫn trong cùng môi trường đó, ngành hàng đó, chúng ta cũng đã chứng kiến nhiều thương hiệu “rời sân”. Như trước đó là Best Carings, là Việt Long, Home One, và gần đây là TopCare. Lại cũng phải lưu ý Best Carings hay TopCare… là những DN nghiêng về lĩnh vực phân phối điện tử tiêu dùng, đồ gia dụng, hơn là điện thoại di động hay thiết bị công nghệ thông tin. Sự tăng trưởng của ngành điện tử điện lạnh, với mức khoảng 5% dự phóng ở năm 2015 và các năm kế tiếp, so sánh với mức tăng trưởng của ngành điện tử thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin ở mức khoảng 25%, cũng đồng nghĩa đang dự báo rằng khó khăn sẽ còn đợi phía trước, đối với những DN đi vào phân khúc hẹp hơn và chưa chuẩn bị nguồn lực cung như chiến lược cạnh tranh hiệu quả.
Nói riêng về lợi nhuận, thông thường, doanh thu lớn, hàng bán tốt thì các DN sẽ có lợi nhuận cao hơn. Ví dụ, MWC đã có tăng trưởng lợi nhuận cũng tăng trên 140% so với cùng kì và ước đạt 670 tỷ đồng sau thuế. Song ngay cả như vậy thì MWG cũng chỉ tăng trưởng biên lợi nhuận ròng ở mức 4,1 % - một tỷ lệ không phải cao so với các DN có doanh thu lớn khác.
Ngoài MWG là công bố lợi nhuận cụ thể, các DN cùng ngành điện tử, điện máy cơ bản ít công bố mặt lợi nhuận. Điều đơn giản là cho dù các ngành này có doanh thu lớn tới đâu, các DN vẫn đang trong giai đoạn “non trẻ”, cần đầu tư tập trung mở rộng điểm bán và chưa hoàn tất khấu hao. Cùng với đó, giá vốn hàng bán (chủ yếu nhập khẩu) cũng như chi phí lãi vay, chi phí bán hàng sẽ ngốn phần lớn lợi nhuận của DN. Nên có thể nói một cách khá ngắn gọn là nhìn chung cho dù các DN ngành này có doanh thu hàng ngàn tỷ đồng, vẫn khó cải thiện biên lợi nhuận.
Tới đây, một thách thức đối với việc cải thiện biên lợi nhuận của DN ngành hàng này, còn là sự xuất hiện của các nhà bán lẻ thương mại điện tử (trực tuyến) chuyên nghiệp trên thị trường quốc tế và ở trong cùng ngành hàng. Điển hình như sự hiện diện và bành trướng rất nhanh của gã nhà giàu Lazada. Theo đó, việc cải thiện công nghệ bán hàng, chi phí quản lí đối với các DN ngành điện tử, điện máy kể cả những DN 10.000 tỷ đồng và đang lớn như Phù Đổng, vẫn vô cùng cấp bách.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc