Doanh nghiệp lợi hàng nghìn tỷ đồng từ cải cách
“Nếu GDP cả nước năm nay đạt khoảng 164 tỷ USD thì những chi phí tương đương doanh nghiệp phải chịu mất vì thủ tục hành chính là gần 1,5 tỷ USD. Một con số không hề nhỏ đối với cộng đồng doanh nghiệp mà quá nửa là doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Đó là phát biểu của ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính tại hội thảo “Triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ: Cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh” diễn ra tại Hà Nội vào ngày 31/7.
Thời gian là tiền
Phát biểu tại hội thảo, ông Olin MacGill, chuyên gia quốc tế về Phát triển Môi trường kinh doanh của Dự án quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) cho biết trong lĩnh vực nộp thuế, Việt Nam đã làm rất tốt thông qua việc giảm số giờ nộp thuế từ 1.050 giờ xuống còn 872 giờ như hiện nay.
“Chúng tôi tính số tiền mà một cá nhân hoặc doanh nghiệp phải bỏ ra để làm thủ tục nộp thuế là 24,8 triệu đồng/doanh nghiệp/năm, nếu tính cả nước có khoảng 400 nghìn cá nhân/doanh nghiệp nộp thuế thì tổng số tiền phải bỏ ra là 9,8 nghìn tỷ đồng. Nếu giảm được tổng cộng 178 giờ từ mức 1050 giờ xuống mức hiện nay là 872 giờ (vốn còn rất cao so với khu vực và thế giới) thì Việt Nam đã có thể giảm được 1,7 nghìn tỷ đồng cho toàn xã hội.
Còn nếu đạt mức 171 giờ nộp thuế theo tinh thần Nghị Quyết 19 của Chính phủ yêu cầu từ nay cho tới hết năm 2015, tức là giảm so với mức hiện hành 701 giờ sẽ tiết kiệm được gần 16 triệu đồng/cá nhân/doanh nghiệp/năm. Tính cho toàn xã hội có thể tiết kiệm hơn 6,6 nghìn tỷ đồng”, ông Olin cho biết.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương ước tính sơ bộ,, cắt giảm được số ngày làm thủ tục cho xuất nhập khẩu sẽ tiết giảm được chi phí xuất nhập khẩu tương đương 1% tổng kim ngạch. Như vậy, tính ra nếu năm nay tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 300 tỷ USD, nếu giảm được một ngày thời gian chi phí đối với hoạt động này, cả xã hội tiết giảm được 3 tỷ USD chi phí giao dịch.
Trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, ông Tống Văn Sinh, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết ngành đã rà soát thủ tục hành chính để tiến tới có thể giảm từ 263 xuống còn 111 thủ tục. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiến trình cải cách thủ tục hành chính để tiến tới giảm số giờ làm thủ tục bảo hiểm xã hội từ 335 giờ hiện nay xuống chỉ còn 108 giờ, giảm 67%”, ông Sinh nói.
Cũng tại hội thảo, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết theo kết quả rà soát các bước thủ tục hiện hành, để cấp điện cho một trạm điện phải qua 14 bước, trong đó có ba bước liên quan đến ngành điện, 11 ngành khác và chính khách hàng. Vì vậy ngành điện sẽ phấn đấu giảm số ngày thực hiện một số các thủ tục hành chính như thỏa thuận đấu nối giảm từ 35 ngày xuống còn năm ngày, tiếp nhận và thực hiện hồ sơ giảm từ 15 ngày xuống còn ba ngày, ký hợp đồng mua bán điện rút xuống còn 10 ngày, tổng số có thể giảm trước mắt khoảng 18 ngày.
Ông Olin MacGill cho biết, theo một nghiên cứu của GIG, một công ty mới thành lập tại Việt Nam có thế tiết kiệm được khoảng 1,1 triệu USD/năm nếu các cơ quan quản lý cắt giảm được số giờ thực hiện các thủ tục đăng ký. Điều này cho thấy việc cắt giảm số ngày thực hiện các thủ tục hành chính sẽ mang lại lợi ích rất thiết thực có thể “quy ngay ra tiền được” cho các doanh nghiệp cũng như toàn xã hội nói chung.
Thế giới nghĩ sao
Cũng theo ông Olin MacGill, để cải cách và hoàn thiện môi trường kinh doanh, các cơ quan hoạch định chính sách có thể so sánh môi trường pháp lý và thể chế của nước mình với các nước khác. Báo cáo môi trường kinh doanh đưa ra đánh giá tổng quan về xếp hạng mức độ thân thiện của môi trường kinh doanh dựa trên một bộ chỉ số đo lường và so sánh các quy định áp dụng với các doanh nghiệp trong vòng đời phát triển của mình.
Các nước được đánh giá và xếp hạng từ 1 tới 189 dựa trên mức độ thân thiện của môi trường kinh doanh với doanh nghiệp. Đối với mỗi quốc gia, chỉ số môi trường kinh doanh được tính toán dựa trên trung bình cộng xếp hạng của 10 chỉ số thành phần của chỉ số môi trường kinh doanh.
Những chỉ số này gồm: khởi sự doanh nghiệp, xin phép xây dựng, tiếp cận điện, đăng kí tài sản, tiếp cận vốn vay, bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế, kinh doanh qua biên giới, thực hiện hợp đồng, và thực hiện thủ tục phá sản. Xếp hạng của mỗi chỉ số thành phần là trung bình của xếp hạng các chỉ số cấu thành chỉ số thành phần đó.
Xếp hạng chung của mỗi quốc gia về môi trường kinh doanh đánh giá chất lượng môi trường kinh doanh theo các chỉ số tương quan so sánh với các quốc gia khác. Chỉ số xếp hạng chung cho thấy chất lượng môi trường kinh doanh của một quốc gia, nhưng nó không thể hiện tất cả khía cạnh của môi trường kinh doanh đối với nhà đầu tư hay năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Do vậy, xếp hạng cao không có nghĩa là chính phủ đã tạo ra được một môi trường pháp lý và thể chế thuận lợi cho doanh nghiệp về mọi mặt.
Chỉ số chung về môi trường kinh doanh hay việc thay đổi xếp hạng chỉ cho thấy một phần câu chuyện. Việc thay đổi hàng năm có thể cho thấy thay đổi trong môi trường pháp lý và thể chế đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, xin lưu ý là xếp hạng luôn so sánh tương đối.
Việc cắt giảm số ngày thực hiện các thủ tục hành chính sẽ mang lại lợi ích rất thiết thực có thể “quy ngay ra tiền được” cho các doanh nghiệp cũng như toàn xã hội nói chung.
Minh Châu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao
Cột tin quảng cáo