Thị trường

Doanh nghiệp ngại đầu tư công nghiệp hỗ trợ

Niềm tin giảm sút, khó khăn trong việc thụ hưởng chính sách là nguyên nhân khiến doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ ngại đầu tư.

(Đầu Tư) Kết quả Dự án Điều tra khảo sát hoạt động công nghiệp hỗ trợ do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện với 650 doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM và Bình Dương mới đây cho thấy, niềm tin của DN với triển vọng phát triển công nghiệp hỗ trợ trong những năm tới rất thấp.
   
Chỉ có 41,4% DN trong tổng số 650 DN được khảo sát cho biết sẽ tiếp tục đầu tư, trong khi số còn lại không đầu tư, hoặc chưa có quyết định đầu tư rõ ràng.

Không chỉ giảm sút niềm tin về đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ, kết quả khảo sát trên cũng chỉ rõ thực trạng hoạt động của các DN công nghiệp hỗ trợ.

Ông Nguyễn Viết Sê, Chủ nhiệm Dự án cho biết, trình độ công nghệ trong các DN công nghiệp hỗ trợ tại TP.HCM, Bình Dương còn khá lạc hậu, đang và sẽ là trở ngại lớn cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thời gian tới.

Ông Sê cho hay, dù ở quy mô nào, công nghệ luôn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với công nghiệp hỗ trợ. Dự án này chọn tiêu chí mức độ tự động hóa để khảo sát trình độ công nghệ trong các DN công nghiệp hỗ trợ.

Theo kết quả điều tra, chỉ có 27% trong tổng số DN được điều tra đầu tư công nghệ tự động; 58% bán tự động; 8% là công nghệ thủ công. Đặc biệt, tỷ lệ công nghệ tự động của DN 100% vốn nước ngoài (FDI) gấp 2 lần DN tư nhân. Các ngành điện tử, ô tô có tỷ lệ tự động hóa không vượt trội so với mức bình quân chung.

Về đầu tư đổi mới công nghệ, trong số 650 DN điều tra, có 57% DN đã đầu tư đổi mới từng phần dây chuyền công nghệ trong 3 năm gần đây; 35% DN không đầu tư đổi mới công nghệ, trong khi chỉ có 3% DN có đầu tư mới, hoặc đổi mới hoàn toàn công nghệ.

Mức đầu tư cho công nghệ thấp cũng ảnh hưởng tới chất lượng và đầu ra sản phẩm. Trong 627 DN kinh doanh 460 mã sản phẩm và dịch vụ, thì sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chỉ chiếm 46,7%.

Tỷ lệ sản phẩm xuất khẩu bình quân các DN điều tra chiếm 32,6% tổng doanh thu, trong đó tỷ lệ xuất khẩu bình quân của các DN FDI là 42,7%, gấp hơn 3 lần tỷ lệ xuất khẩu bình quân của các DN tư nhân; DN ngành điện, điện tử tin học có tỷ lệ sản phẩm xuất khẩu chiếm 57,7%. Tỷ lệ tiêu thụ nội địa chiếm 60,3% (còn lại tiêu thụ nội bộ DN), trong đó tỷ lệ tiêu thụ nội địa của các DN tư nhân là 79,4%, DN FDI là 50,3%.

Trong tổng số nguồn nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng đầu vào của DN FDI, nguồn từ nhập khẩu chiếm 53,1%; nguồn do DN tư nhân cung ứng chiếm 30,8% và do DN FDI cung cấp chiếm 17,1%. Các số liệu tương ứng với DN tư nhân là 18,9%; 72,2% và 6,1% cho thấy, tính liên kết thị trường giữa DN công nghiệp hỗ trợ rất kém.

Hơn 74% tổng số DN được điều tra, kể cả DN FDI đều xác nhận rất quan tâm đến nhà cung cấp nội địa. Điều này cho thấy, năng lực của các nhà cung ứng nội địa còn hạn chế so với yêu cầu của các nhà sản xuất, lắp ráp.

Ông Kinya Okada, Giám đốc bộ phận điều phối ngành máy in laser (Công ty Canon Việt Nam) cho biết, kế hoạch mở rộng đối tác Việt Nam trong danh sách các nhà cung cấp của Canon Việt Nam tiếp tục khó khăn, do số lượng DN cung cấp nội địa còn quá hạn chế.

Nếu nhìn vào danh sách các DN sản xuất linh kiện điện tử như tụ điện, điện trở, hay đơn giản hơn như biến áp, cuộn dây…, thì hoàn toàn vắng bóng DN Việt Nam. Như vậy, cơ hội gia nhập danh sách nhà cung cấp cho Canon của DN Việt Nam tưởng như mở rộng, song rất khó khả thi.

“Mong mỏi của Canon Việt Nam là tìm kiếm được đối tác Việt Nam cung cấp được linh kiện điện tử cho Canon, với mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hoá, giảm phi phí sản xuất của Canon trong năm 2013, tuy nhiên, sau khi thông tin nhiều lần, Canon vẫn chưa tìm thấy DN nội địa nào đáp ứng được nhu cầu”, ông Kinya Okada cho biết.

Để công nghiệp hỗ trợ phát triển, ngoài sự nỗ lực đầu tư của các DN, việc thụ hưởng các chính sách cao hay thấp cũng sẽ tỷ lệ thuận với việc chi đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ.

Ông Sê cho rằng, tỷ lệ DN được thụ hưởng chính sách trên thực tế khá thấp so với tổng số DN được điều tra. Cao nhất là chính sách miễn giảm thuế và tiền thuê đất bình quân, với 45% DN điều tra được thụ hưởng trong thời gian khảo sát, trong đó tỷ lệ này của DN FDI là 52,4%, trong khi DN tư nhân là 32,8%.

Tương tự, với chính sách hỗ trợ tín dụng, chỉ có 19,1% DN được thụ hưởng. Nguyên nhân, theo các DN chủ yếu do chính sách thay đổi quá nhanh và thiếu nhất quán.

Như vậy, ngoài những nguyên nhân khách quan do khó khăn từ nội tại DN, nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành chính sách là giải pháp quan trọng với các DN công nghiệp hỗ trợ.

 

 

Thế Hải

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo