Doanh nghiệp nhỏ “chậm lớn”
Nền kinh tế đang thiếu những DN “nội” đủ sức gánh vác trọng trách đưa con thuyền kinh tế Việt Nam ra biển lớn.
DN siêu nhỏ “áp đảo”
Báo cáo “Cải cách thể chế kinh tế, tăng cường khả năng tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam” của Chính phủ cho thấy: Hiện tại, trong số các DN đang hoạt động ở Việt Nam, các DN có quy mô lớn chỉ chiếm khoảng 2% và cũng có số lượng tương ứng như vậy là các DN quy mô vừa. Còn lại 95-96% là các DN nhỏ và siêu nhỏ. Riêng DN siêu nhỏ (nếu xét theo tiêu chí là dưới 10 lao động) đã chiếm tới 66-67%.
Đáng lo ngại hơn, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc thiếu các DN có quy mô vừa ở Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng xét cả theo tiêu chí lao động và vốn. Đặc biệt, tồn tại một xu hướng là các DN nhỏ trong nước không thể lớn lên thành DN có quy mô vừa. Theo VCCI, một trong những nguyên nhân chính khiến DN tư nhân trong nước chưa lớn được là do các thể chế hỗ trợ thị trường hoạt động kém hiệu quả. Khu vực tư nhân chưa bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực; hệ thống pháp luật về hợp đồng, thực thi hợp đồng, giao dịch chưa đảm bảo rõ ràng, cơ chế giải quyết tranh chấp và rút khỏi thị trường chưa hiệu quả...
Do quy mô nhỏ nên có rất nhiều DN trong nước chưa đủ năng lực cạnh tranh để XK sang thị trường nước ngoài hoặc tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Trên thực tế, sự tham gia của các DN Việt Nam trong mạng lưới sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu là thấp so với các nền kinh tế có quy mô tương tự trong khu vực Đông Nam Á. Nghiên cứu của Viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADBI) cho thấy chỉ có 36% DN Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu (bao gồm cả XK trực tiếp và gián tiếp) so với con số 60% tại những nền kinh tế phát triển hơn như Malaysia, Thái Lan; 21% DNNVV Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu so với 30% của Thái Lan, 46% của Malaysia.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá: Kinh tế tư nhân đã phải vật lộn với bao khó khăn thử thách trong vài năm qua. Một số DN đã phải đóng cửa. Số còn lại chủ yếu nằm trong khu vực phi chính thức, qui mô rất nhỏ hoặc nhỏ và vừa. Trên thực tế nghiên cứu của VCCI cho thấy quy mô trung bình của DN đã thu hẹp trong vài năm gần đây. Các DN trong nước đã không tận dụng được tác động lan tỏa từ các DN nước ngoài. Sự tham gia của họ vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng manh mún và hạn chế.
“Không có quốc gia nào có thể phát triển nếu dựa hoàn toàn hoặc ỷ lại vào khu vực DN nước ngoài” – bà Kwakwa nhấn mạnh.
Bớt lệ thuộc vào nền kinh tế khác
Tỏ ra trăn trở khi chất lượng DN tư nhân trong nước chưa như kỳ vọng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng: DN tư nhân hiện nay chiếm 90% tổng số DN ở Việt Nam. DN tư nhân chính là người dân, trong khi thể chế của nước ta là thể chế của nhân dân, cho nên phải khơi dậy toàn bộ sức mạnh của người dân. Khơi dậy khu vực tư nhân không chỉ tạo ra nguồn lực lớn cho xã hội mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm. Nếu xét về quy mô kinh tế và số dân, số lượng DN tư nhân của nước ta vẫn chưa nhiều. Khu vực tư nhân còn rất nhỏ bé, thiếu vắng DN quy mô lớn, có tầm quốc gia cũng như tầm quốc tế.
“Chỉ có xây dựng được DN tư nhân, vừa và nhỏ lớn mạnh về số lượng và chất lượng mới tạo ra hàng triệu việc làm cho đất nước. DN tư nhân có thể phát triển ở mọi nơi, mọi ngõ ngách của cuộc sống, làm cho chúng ta bớt lệ thuộc vào các nền kinh tế khác” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bày tỏ.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng: Các DN Việt Nam, đặc biệt là DN tư nhân đang thiếu mối liên kết chuỗi giá trị và thiếu “các DN hỗ trợ” cho khu vực XK, làm giảm tác động lan tỏa tăng trưởng kinh tế từ khu vực FDI, từ đó làm giảm sự độc lập kinh tế vì Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và đầu vào sản xuất từ các nước khác. Do đó Việt Nam cần tập trung vào việc tạo ra các DN vừa và nhỏ có thể hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài lớn hơn là việc tập trung vào XK. Sự tham gia nhiều hơn của khu vực tư nhân trong nước vào mạng lưới sản xuất toàn cầu thông qua các mối liên kết chặt chẽ hơn với các tập đoàn đa quốc gia và XK trực tiếp có thể là phương tiện quan trọng để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tạo ra tác động lan tỏa FDI và tăng sự độc lập kinh tế.
Theo VCCI, Việt Nam cần tạo ra nhiều DN quy mô vừa và lớn, đủ năng lực cung ứng cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như XK, nhằm phát triển một cộng đồng DN hiệu quả hình “kim tự tháp”. Sự tham gia của khu vực tư nhân Việt Nam vào mạng lưới sản xuất toàn cầu thông qua các mối liên kết chặt chẽ hơn với các công ty đa quốc gia và XK trực tiếp là một phương tiện hữu hiệu đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, tạo tác động lan tỏa và phát triển kinh tế.
Bà Victoria Kwakwa nhận định: Chính sách của Chính phủ quan tâm nhiều hơn đến kinh tế tư nhân - một khu vực năng động - là đúng hướng và đúng lúc. Cải cách thể chế cũng cần tập trung vào các vấn đề này và các thách thức khác mà kinh tế tư nhân đang phải đối mặt. Sắp tới, hội nhập kinh tế sẽ hướng vào chiều sâu thông qua cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc và một số nước khác và sẽ mang lại cơ hội phát triển kinh tế tư nhân. Nhưng điều này chỉ có thể làm được khi toàn bộ thể chế cùng chung tay giải quyết các vấn đề mà DN gặp phải.
Theo Hải quan
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo