Doanh nghiệp nội vẫn lép vế
Tăng về lượng nhưng giá trị gia tăng thấp
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tính chung 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 93,45 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2011. Trong xuất khẩu, doanh nghiệp FDI đã đạt tới 51,55 tỷ USD, tăng 34,9%. Sở dĩ doanh nghiệp FDI đẩy mạnh được xuất khẩu hàng hóa là bởi phía sau các doanh nghiệp này là các tập đoàn kinh tế lớn, nhờ đó sản phẩm của họ có thể "ăn'' sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngay cả những doanh nghiệp cung ứng lớn cho thị trường nội địa là Unilever và P&G, mặc dù tình hình kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn nhưng mức xuất khẩu của họ vẫn tăng khoảng 20% so với năm trước, cao hơn so với doanh nghiệp trong nước.
Đánh giá cao kết quả xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI, nhưng chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, giá trị gia tăng mà Việt Nam nhận được từ các doanh nghiệp FDI là không lớn, bởi đa phần hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI vẫn là gia công, sử dụng không nhiều lao động, trong khi nguyên liệu, mẫu mã, công nghệ đều nhập từ nước ngoài.
Sản phẩm nội giá cao gấp 3 - 4 lần
Việc kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tăng mạnh trong thời gian qua không chỉ bởi lợi thế về hệ thống phân phối toàn cầu thông qua công ty "mẹ" mà còn do giá thành sản xuất các doanh nghiệp này thấp hơn rất nhiều so với doanh nghiệp trong nước.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam cho biết: Hiện giá thành sản xuất của các doanh nghiệp da giày Việt Nam luôn cao hơn 3 - 4 lần so với doanh nghiệp FDI, nên kim ngạch xuất khẩu tuy lớn nhưng lãi xuất không cao. Bên cạnh đó, hiện chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, điều này đã khiến kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước luôn thấp hơn doanh nghiệp FDI. Đây cũng là những điểm bất lợi khiến cho doanh nghiệp nội kém năng lực cạnh tranh hơn rất nhiều so với doanh nghiệp FDI ngay trên chính sân nhà.
Một nguyên nhân nữa là, hiện doanh nghiệp FDI đang được hưởng nhiều ưu đãi về chính sách thuế, địa điểm sản xuất, trong khi doanh nghiệp trong nước lại gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng hoặc phải chịu mức lãi suất quá cao. Chỉ riêng sự cách biệt này đã cho thấy doanh nghiệp FDI có quá nhiều lợi thế so với doanh nghiệp trong nước.
Doanh nghiệp FDI đang được hưởng nhiều ưu đãi về chính sách thuế, địa điểm sản xuất. Ảnh minh họa
Theo dự báo của Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, trong 2 tháng cuối năm, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của cả nước sẽ đạt 9,35 tỷ USD/tháng nhưng lợi thế đang nghiêng về các doanh nghiệp FDI.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh sản xuất, từ đó thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương đã kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước tiếp tục gia hạn Thông tư 03/2012/TT- NHNN cho doanh nghiệp trong nước vay ngoại tệ phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, Bộ sẽ điều chỉnh linh hoạt thuế suất thuế xuất - nhập khẩu, ngoài ra hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu sẽ được chú trọng hơn nữa, bởi hoạt động này không chỉ giúp tiêu thụ hàng tồn kho, phát triển sản xuất trong nước mà còn giúp doanh nghiệp trong nước thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp tăng trưởng xuất khẩu bền vững.
An Thảo (Theo KTĐT)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển