Doanh nghiệp nước ngoài cần được hỗ trợ khẩn cấp
10 triệu USD là tổn thất mà ông Lý Quốc Long, Phó hội trưởng Phân hội Thương gia Đài Loan tại Hà Nội, chủ nhà máy sản xuất nhôm Tungshin tại Bình Dương ước tính sau ngày 13 và 14/5/2014, khi một số đối tượng quá khích lợi dụng tình hình, có hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại nhà máy.
Tuy nhiên, theo ông Long, đó chỉ là một con số nhỏ so với những gì mà các thương gia Đài Loan đang phải đối mặt sau vụ việc này. Điều ông đau lòng hơn, là những đối tượng xấu đã đe dọa công nhân, khênh cả máy móc, nguyên phụ liệu của nhà máy đi.
“Chúng tôi đang chờ đợi những biện pháp tiếp theo mà Chính phủ Việt Nam sẽ làm để nhà đầu tư nước ngoài thấy yên lòng, yên tâm tiếp tục sản xuất, kinh doanh”, ông Long chia sẻ với các nhà đầu tư nước ngoài đến từ các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng như đại diện các bộ, ngành có mặt trong cuộc gặp gỡ cộng đồng DN nước ngoài đầu tuần này.
Người đồng nghiệp của ông, bà Liu Mỹ Đức, Tổng hội trưởng Tổng hội Thương gia Đài Loan cũng rất thống thiết khi chia sẻ những gì mà các thương gia Đài Loan phải đối mặt. Nhưng điều bà lo lắng hơn, đó là những công việc phải xử lý trước mắt.
“Sắp tới thời hạn trả tiền lương, song những doanh nghiệp bị ảnh hưởng đang không có nguồn để sửa chữa, tạm dừng hoạt động, không có nguồn để trả lương công nhân”, bà Liu Mỹ Đức cho biết và đặt kiến nghị về tiền lương lên đầu tiên trong số 3 nhóm khuyến nghị gửi tới Chính phủ Việt Nam. Nhóm khuyến nghị thứ hai là đơn giản tiêu chuẩn và thủ tục xin giấy phép lao động cho người người ngoài để doanh nghiệp có thể tuyển dụng, di chuyển lao động quản lý từ các địa bàn khác sang thay thế cho những người đã về nước.
“Liên quan đến những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại, đề nghị Chính phủ Việt Nam thành lập các đầu mối liên lạc để xử lý các trường hợp này tại các khu công nghiệp, các địa phương có doanh nghiệp bị thiệt hại, giảm thiểu thủ tục hành chính”, bà Liu Mỹ Đức đề nghị trong nhóm kiến nghị thứ ba.
Không đặt trong nhóm kiến nghị, song hai yêu cầu của bà Liu đề nghị được hỗ trợ bổ sung lại là những điều mà doanh nghiệp bị thiệt hại đang cần được hỗ trợ ngay. Đó là có quy định về việc xác thực những tổn thất của doanh nghiệp để đảm bảo các thủ tục được tiến hành nhanh gọn và các vấn đề về bồi thường.
“Những đề xuất của chúng tôi được tổng hợp từ các yêu cầu của doanh nghiệp thành viên và đề nghị trả lời từ họ. Chúng tôi đang nhìn vào các giải pháp cụ thể, hành động cụ thể để trả lời các thành viên của mình”, bà Liu nói.
Đây cũng là vấn đề mà ông Kim Jung In, Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam đặt ra trong cuộc gặp.
“Chúng tôi đã nhận được 75 báo cáo từ các doanh nghiệp Hàn Quốc ở Bình Dương bị ảnh hưởng sau vụ việc vừa rồi. Các doanh nghiệp mong muốn nhận được các hỗ trợ cụ thể từ thuế, hải quan… Tổng cục Thuế có thể xem xét hoãn, kéo dài thời hạn nộp thuế đến khi những doanh nghiệp này hoàn toàn phục hồi”, ông Kim nói.
Sự trở lại hoạt động nhanh chóng của các doanh nghiệp bị thiệt hại, theo ông Remco Gaanderse, Phó chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam là vô cùng quan trọng.
“Các doanh nghiệp châu Âu có thể không bị ảnh hưởng trực tiếp nhiều, nhưng chủ yếu là gián tiếp do đường truyền chuỗi cung ứng bị ngắt quãng. Chúng tôi cho rằng, các kiến nghị của doanh nghiệp cần được xử lý nhanh để sớm khôi phục niềm tin của nhà đầu tư, lấy lại hình ảnh của môi trường đầu tư thân thiện và an toàn vốn có của Việt Nam”, ông Remco Gaanderse khuyến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển