Doanh nghiệp tìm đường xuất khẩu
Hơn hai năm trước, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Công ty chuyên sản xuất văn phòng phẩm Quy Lực (WinQ) vay 15 tỷ đồng đầu tư xây dựng nhà xưởng để đón đầu thị trường trong nước.
Tuy nhiên, suy thoái kinh tế ngày càng ngấm sâu khiến thị trường thu hẹp và hoạt động sản xuất của công ty chỉ đạt khoảng 20% công suất.
“Chúng tôi phải “mở đường máu” bằng việc tìm thị trường xuất khẩu, để việc đầu tư của mình không bị lãng phí và để có nguồn thu trả nợ ngân hàng và nuôi sống công nhân”- Ông Thành nói.
Ông cũng cho biết, thị trường WinQ đang nhắm tới là Myanmar bởi có nhiều điểm tương đồng với thị trường Việt Nam những năm 80 và 90 của thế kỷ trước nên dễ chấp nhận những sản phẩm của công ty.
Giống WinQ, nhiều doanh nghiệp chưa từng xuất khẩu khác cũng bắt đầu chuyển hướng sang xuất khẩu để tự cứu mình. Bà Bùi Thúy Loan - TGĐ Công ty bột thực phẩm Tài Ký cho biết, đang tìm cách xuất khẩu bột thực phẩm sang thị trường Hoa Kỳ.
Tương tự, đại diện của một doanh nghiệp chuyên sản xuất hóa mỹ phẩm cũng muốn đưa sản phẩm sang thị trường Hoa Kỳ. “Thị trường quá khó khăn nên buộc lòng chúng tôi phải tính đường xuất khẩu để thoát hiểm”- vị đại diện công ty sản xuất hóa mỹ phẩm nói.
Các doanh nghiệp đã từng xuất khẩu hoặc chuyên làm hàng xuất khẩu đang nỗ lực “gia cố” ở những thị trường truyền thống hoặc mở thị trường mới. Trong đó thị trường châu Á, nhất là các nước Đông Á được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.
Vừa cùng một đoàn doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đi nghiên cứu thị trường Trung Quốc trở về, ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch công ty Viettranimex cho biết, hiện tại nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam đã thâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc và được người tiêu dùng ưa chuộng như các loại trái cây sấy khô của Vinamit, cà phê Trung Nguyên, gạo...
Ông Nguyễn Văn Thành chia sẻ, muốn đưa hàng vào hệ thống phân phối hiện đại của Trung Quốc thì buộc các doanh nghiệp phải xuất khẩu chính ngạch và thông qua những nhà nhập khẩu, nhà phân phối sở tại...Những sản phẩm đó phải có mẫu mã, bao bì thích hợp với người tiêu dùng như về khối lượng, màu sắc và nhất thiết phải viết bằng tiếng Hoa thay vì tiếng Việt hay tiếng Anh.
Công ty Vinamit và cà phê Trung Nguyên là hai điển hình thành công bởi áp dụng triệt để chiêu thức này. Đó cũng chính là lý do vì sao sản phẩm của hai doanh nghiệp này tràn ngập các siêu thị và thị trường Trung Quốc.
Công ty nông nghiệp GAP đang xuất khẩu trái thanh long tươi sang thị trường Mỹ với khối lượng lớn. Bà Lê Thị Tú Anh - Chủ tịch hội đồng quản trị công ty cho biết, không chỉ trái cây tươi, các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ đang đặt hàng 30-50 container/tháng.
Để đáp ứng được những đơn hàng này phải có một nhà máy sấy với vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty không thể có đủ số vốn kể trên nhưng gõ cửa các ngân hàng đều không được đáp ứng.
Phó chủ tịch Hội chế biến gỗ và mỹ nghệ TP. Hồ Chí Minh (Hawa), ông Huỳnh Văn Hạnh cũng cho biết đang thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, xuất khẩu trầm trọng.
Theo ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương, tình hình xuất khẩu trong bốn tháng đầu năm nay có tăng, nhưng chủ yếu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Còn xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước chỉ tăng 2-3% so với cùng kỳ, thậm chí trong quý 1 không tăng.
Theo TP
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 31/12/2024: Giảm trong ngày cuối cùng của năm
Vị thế trung tâm nuôi biển - Bài cuối: Quản lý tốt quy hoạch nuôi trồng
Chuyên gia chỉ ra 8 chủ đề đầu tư hấp dẫn năm 2025
Tỷ giá hôm nay 31/12: USD và NDT tiếp tục xu hướng tăng giá
Giá nông sản ngày 31/12/2024: Hồ tiêu biến động, cà phê giảm nhẹ
Giá heo hơi ngày 31/12/2024: Ổn định trên phạm vi cả nước