Thị trường

Doanh Nghiệp Việt loay hoay, Samsung không thể ngồi chờ!

Dù không cho rằng Samsung tạo cớ để không mua sản phẩm hỗ trợ tại Việt Nam song có những yếu tố đang minh chứng cho việc này...
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã phân tích dưới góc nhìn của mình xung quanh những lo ngại nhà đầu tư Samsung có thể sẽ chỉ đưa ra đầu bài cho doanh nghiệp Việt và nếu không đáp ứng được họ cũng đã có sẵn doanh nghiệp đi theo để cung ứng sản phẩm cho mình.
 
Samsung không vào Việt Nam một mình!
 
Theo bà Lan, thực tế ra ngay từ khi Samsung bước chân vào Việt Nam cũng đã được mang theo một số doanh nghiệp của họ. Những doanh nghiệp đi cùng vào cũng được hưởng ưu đãi như Samsung.
 
"Đây có thể xem là điều kiện có cơ sở nhất cho việc nghĩ rằng họ không muốn sử dụng doanh nghiệp khác thay vì tận dụng các doanh nghiệp đưa đi theo", bà Lan nhận định.
 
Theo đó, trong trường hợp các doanh nghiệp Việt Nam được lựa chọn làm với Samsung thì cũng không được hưởng những ưu đãi như thuế, đất đai… như các doanh nghiệp nước ngoài được hưởng thì khó mà cạnh tranh được. Chưa kể tâm lý công ty nào cũng vậy. Họ muốn làm với đối tác đã quen lĩnh vực cung cấp đã có sẵn. Khi đó hai bên đều nắm được các yêu cầu của nhau thế nào. Kể cả khi có thay đổi gì thì đối tác đã gắn bó lâu dài trong chuỗi sẽ đáp ứng được ngay.
 
Bà Lan cho rằng đây là điều thuận lợi nhất cho những người làm kinh doanh. Các doanh nghiệp Việt Nam cứ suy ra từ bản thân mình khi bị mất khách hàng sẽ rất đau rồi sẽ phải đi tìm kiếm nguồn khác sẽ đẩy thêm chi phí và vất vả.
 
"Trừ khi bản thân mình có sẵn năng lực, khi họ đến các doanh nghiệp chỉ việc mang sản phẩm đến chào hàng rồi sáp vào làm cùng. Nhưng khi chưa có năng lực đáp ứng yêu cầu của họ mà muốn sáp vào thì cũng không dễ làm", bà Lan lý giải.
 
Trước đây Toyota làm ở Việt Nam bao nhiêu năm nhưng họ vẫn phải kêu là đến cái ốc vít doanh nghiệp Việt Nam vẫn không làm nổi theo yêu cầu của họ dù rằng Nhật Bản liên tục lên tiếng thúc các DN Việt tham gia vào ngành công nghiệp phụ trợ cho lĩnh vực này.
 
"Đây là những chuyện mà các nhà đầu tư khác họ cũng biết. Do vậy chắc chắn một tập đoàn có kinh nghiệm trên thương trường họ cũng phải chủ động cho chính họ chứ không thể mạo hiểm mà chờ đợi hay giao tương lai của họ cho mình được", bà Lan nói.
 
Đó chính là lý do Samsung vào Việt Nam nhưng họ cũng đã có sẵn các công ty từ bên ngoài và đã từng làm các sản phẩm đó mà Việt Nam lại đồng ý cho họ vào cùng rồi được hưởng ưu đãi tương tự như nhà đầu tư chính nên cũng khó mà đưa ra lý do để ép họ ngồi bàn bạc từ đầu để thực hiện hợp tác, hỗ trợ, chờ đợi các công ty của Việt Nam phát triển để đáp ứng được yêu cầu của Samsung.
 
Với sản phẩm điện thoại của Samsung cần rất nhiều chi tiết phụ nhưng không phải đơn giản để doanh nghiệp Việt có thể tham gia
 
Lúng túng chạy đuổi theo thì cái gì cũng...quá tầm tay
 
Theo bà Lan, nếu lần này Việt Nam để lỡ cơ hội phát triển công nghiệp phụ trợ với Samsung thì có lẽ sẽ là một bài học đắt giá.
 
Nhìn từ việc chính sách, thời gian vừa qua chính sách của chúng ta chưa thực sự quan tâm thúc đẩy để phát triển, nhất là không chú ý tới chất lượng và yêu cầu của nhà đầu tư.
 
"Giá như từ khi Samsung vào tìm hiểu muốn đầu tư ở Việt Nam phải tìm hiểu được ngay là họ vào đây sẽ cần những phụ liệu gì, linh kiện nào, tiêu chuẩn, điều kiện ra sao. Ngay khi đó thúc đẩy công ty Việt Nam làm để đáp ứng yêu cầu đón đầu thị trường thì hay hơn nhiều", bà Lan nhận xét biết.
 
Thế nhưng cả khoảng thời gian chuẩn bị đến lúc Samsung đặt chân vào Việt Nam mọi việc chuẩn bị gần như không có. Nay lại có nhiều người nghĩ rằng cứ có tiền mua công nghệ về là xong thì không đúng.
 
"Không đơn giản mua thiết bị hay công nghệ về là làm được ngay. Thiết bị có thể sắm một lần nhưng sản phẩm có thể dùng nhiều dòng khác nhau và nhà đầu tư sẽ có những yêu cầu mới.
 
Hiện nay các công ty sản xuất khi đưa ra dòng sản phẩm mới đa số là chú ý tới những chi tiết nhỏ chứ không phải thay đổi toàn bộ hệ thống. Cho nên Việt Nam làm có thay đổi kịp hay không? Nếu máy móc thiết bị mua được thì cũng phải có con người vận hành. Rồi vật tư nguyên liệu ở đâu làm ra sản phẩm đó, có đạt chất lượng hay không… ", bà Lan phân tích.
 
Trong cuộc chơi ở cơ chế thị trường, việc đòi hỏi phía đối tác cam kết bao tiêu sản phẩm lâu dài rồi chờ đợi doanh nghiệp đầu tư trong khi họ đã có sẵn các nguồn hàng sản xuất rồi thì câu chuyện vô cùng khó nếu như không cam kết ngay từ đầu.
 
Trừ khi có sẵn sản phẩm đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn mà họ không chịu mua thì mình mới có thể ép. Trong khi hiện nay ta chưa có mà buộc họ bỏ nguồn cung cấp cũ để quay sang mua của Việt Nam là khó.
 
Đây là một bài học ngay cả đối với nhà nước khi tiếp cận với nhà đầu tư. Khi họ vào phải mất vài ba năm đàm phán thì khi đó đã phải thăm dò để chuẩn bị trước và đáp ứng. Nhưng ở đây các cơ quan cấp phép chỉ háo hức chờ họ vào cho bằng được và chỉ tập trung ưu đãi cái gì, miễn thuế bao nhiêu. Chứ không nghĩ đến chuyện chuẩn bị năng lực các doanh nghiệp trong nước. Chỉ chú tâm đến lợi thế đất đai, mặt bằng có sẵn, giỏi lắm thì chuẩn bị nhân công, còn nhân lực cũng không có.
 
Do đó, nếu lỡ cơ hội này bà Lan cho rằng cả doanh nghiệp và nhà nước đều đáng trách. Theo đó, chính sách quan tâm đến phát triển công nghiệp hỗ trợ của mình rất kém. Bao nhiêu năm với biết bao nhiêu hội thảo, phía Nhật Bản thúc giục mãi  mới ra được bản Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng rồi cũng chưa triển khai được.
 
Chúng ta lúng túng về hướng đi vì không biết lựa chọn công nghiệp phụ trợ theo ngành gì. Hiện nay Samsung vào đưa ra yêu cầu như vậy nhưng có thể vài ba năm sau yêu cầu lại khác. Hay như với dệt may cũng vậy rồi cũng sẽ có thay đổi về mặt công nghệ chứ không thể mãi như thế này.
 
Còn về phía doanh nghiệp họ cũng rất ngại đầu tư vào công nghiệp phụ trợ. Từng có nhiều doanh nghiệp chia sẻ nếu họ đầu tư thì phải vài ba năm nữa mới có sản phẩm, khách hàng. Nhưng khi đó họ ở thế phụ thuộc vào nhà đầu tư rất lớn. Có nghĩa là họ làm một sản phẩm cho nhà đầu tư nhưng nếu người mua không cam kết dài hạn thì họ phá sản.
 
Cho nên doanh nghiệp Việt Nam muốn làm các sản phẩm cuối cùng để trong trường hợp bị hủy hợp đồng thì không bán cho người này có thể bán cho người kia. Nhất là ở đây lại bán cho các doanh nghiệp nước ngoài nên chưa thể có những ràng buộc phụ thuộc nhất định lẫn nhau. Họ ngại rơi vào thế lệ thuộc một chiều.
 
"Chúng ta cứ rượt đuổi thì sẽ không bao giờ kịp được. Ước mơ nắm bắt chuyển giao công nghệ là quá tầm tay", bà Lan tiếc nuối..
 
Tuy nhiên nhìn về tương lai, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nếu cố gắng doanh nghiệp Việt hoàn toàn có khả năng tham gia. Ví dụ đầu tư đón đầu dòng sản phẩm mới, dự báo trước yêu cầu của họ về dòng phát triển để họ có thể đặt hàng, ra đầu bài thì khi đó chắc chắn sẽ thuận lợi hơn.
 

"Tuy nhiên điều này cũng chỉ xảy ra với những nước có nền công nghiệp sản xuất các sản phẩm trung gian rất tốt rồi. Họ có đủ khả năng thay đổi nắm bắt được những cái mới. Còn với chúng ta gần như chưa có gì thì đây quả là một bước đi khó khăn", bà Lan lo ngại. 

Theo báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo