Doanh nghiệp Việt "nói không" với hàng Trung Quốc
Doanh nghiệp Việt chuyển hướng làm ăn
Chuyên kinh doanh trong lĩnh vực trang trí nội thất và nhập khẩu hàng Trung Quốc đã được 2 năm nhưng kể từ 1 tuần nay Giám đốc Công ty TNHH Tấm ốp trang trí 3D Vũ Xuân Nam (trụ sở Vĩnh Hưng - Hoàng Mai - Hà Nội) bắt đầu có ý định chuyển nguồn hàng.
"Công ty tôi chuyên thi công các công trình nội thất và có nhập hàng từ bên Trung Quốc. Doanh thu hàng tháng cũng ổn, và mặc dù cho đến nay việc nhập khẩu hàng không có gì khó khăn, song tôi đang tìm hiểu thêm một số nguồn hàng ở Hàn Quốc để thay đổi đơn vị cung cấp.
Thực tế hàng Trung Quốc có giá khá rẻ, nhưng bây giờ người ta cũng thích hàng nội thất có chất lượng tốt nên tôi nghĩ việc chuyển hướng sang nguồn hàng khác cũng hợp lý" - anh Nam tâm sự.
Đại diện cho công ty TNHH Tin Việt (trụ sở phố Lò Đúc - Hà Nội), anh Hoàng Trường Giang cũng cho biết, việc nhập khẩu gạch men từ bên Trung Quốc sang không có gì khó khăn.
"Khó khăn thì không nhưng lượng hàng bán ra không được như trước nên dạo gần đây tôi cũng nhập về số lượng ít hơn. Thấy mọi người phản đối Trung Quốc rất nhiều nên mình cũng muốn là người yêu nước. Có lẽ thời gian tới sẽ chuyển sang kinh doanh hàng khác" - anh Giang cho biết.
Tương tự, chị Vũ Thị Thu - Giám đốc Công ty cổ phần Thời trang Q.T (Quang Trung - Hà Đông - Hà Nội) cho biết, công ty chị đã từ chối nhập hàng quần áo Trung Quốc từ 3 ngày nay và đơn hàng đầu tiên từ Thái Lan đang chuẩn bị về đến nơi.
"Công ty tôi có 3 cửa hàng ở Hà Nội. Trước đây, chúng tôi chuyên nhập hàng Quảng Châu về bán nhưng sau sự kiện biển Đông tôi đã quyết định chuyển sang bán quần áo Thái Lan. Thực ra ý định này đã có từ lâu, chỉ là vào thời điểm này có thêm động lực để thực hiện" - chị Thu nói.
Công ty du lịch "ế ẩm" khách đi Trung Quốc
Cùng chung cảnh ngộ với nhiều doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh liên quan đến Trung Quốc, bà Thúy Hiền - đại diện công ty Thương mại và Dịch vụ Sen Vàng (số 389 Đông Kim Ngưu, Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, lượng khách hủy tour đi Trung Quốc tiếp tục tăng trong vài ngày gần đây.
"Thời điểm trước khi Trung Quốc đặt giàn khoan ở vùng biển Việt Nam, lượng khách hàng đặt tour đi Trung Quốc vẫn khá nhiều. Nhưng khi xảy ra vụ việc thì số lượng khách hàng gọi đến nhờ tư vấn và hỏi về tour du lịch Trung Quốc ít hẳn, giảm khoảng 50%. Còn khách hàng hủy tour cũng tăng khoảng 20 - 30%" - bà Hiền cho biết.
Cũng theo bà Hiền, ngoài vấn đề khách hàng người Việt không đặt tour đi Trung Quốc thì việc làm visa, đặt phòng khách sạn... từ bên Trung Quốc vẫn bình thường, không có gì khó khăn.
Cũng rơi vào tình trạng chung giống như các công ty du lịch, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sáng tạo Đông Dương - Viettimes Travel (số 39, ngõ 121, Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trước đây, trung bình mỗi ngày có khoảng 10 - 20 khách hàng gọi điện hoặc đến để tìm thông tin du lịch Trung Quốc, nhưng thời gian gần đây đã giảm xuống khoảng 2 - 3 người mỗi ngày, ngày nào cao thì cũng chỉ 5 người.
"Vào thời điểm này thì hầu như khách du lịch đều phân vân, không muốn đi Trung Quốc. Số lượng khách hủy tour cũng khoảng 10%, so với nhiều công ty du lịch khác thì con số này không phải là nhiều. Nhưng vì phần lớn khi khách đặt tour thì cũng đặt luôn phòng khách sạn và nhiều dịch vụ khác bên Trung Quốc nên nếu hủy thì sẽ thiệt hại rất nhiều.
Mặc dù chúng tôi cũng không muốn tổ chức tour vào thời điểm nhạy cảm thế này nhưng vì mọi thứ đều đã được đặt sẵn từ trước nên việc hủy rất khó khăn" - đại diện Viettimes Travel nói.
Cũng theo đại diện công ty này, các dịch vụ đặt bên Trung Quốc đều không có gì trở ngại, khó khăn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo