Doanh nghiệp ximăng trước cửa tử
Đánh giá hoạt động của ngành xây dựng sáu tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng thừa nhận, với mức tồn kho sáu tháng lên tới trên ba triệu tấn, chưa tính số tồn kho ở các đại lý, hàng ngàn tỉ đồng bị đắp chiếu, ngành ximăng đang rơi vào cảnh “càng làm càng lỗ nặng”.
Điểm đen của các báo cáo tài chính
Theo ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Ximăng Việt Nam - chính việc ồ ạt đầu tư theo phong trào là một trong những nguyên nhân đẩy các doanh nghiệp ximăng vào thế khó như hiện nay. “Nền kinh tế khó khăn, suy giảm nhưng những năm gần đây, việc đầu tư vào lĩnh vực ximăng lại quá mạnh và ồ ạt nên công suất thiết kế và năng lực sản xuất tăng vượt cả nhu cầu, dẫn tới tình trạng thừa ximăng là khó tránh khỏi.
Tính từ đầu năm 2012, toàn ngành ximăng có công suất thiết kế khoảng 70 triệu tấn, sản lượng dự kiến đạt từ 60 - 62 triệu tấn, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ nội địa năm 2012 dự kiến khoảng 47 - 48 triệu tấn, giả sử đạt được mức phấn đấu xuất khẩu là 7 - 8 triệu tấn, thì cũng vẫn dư thừa khoảng 6 triệu tấn” - ông Thiện nói.
Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng nhanh đang gây những khó khăn trong sản xuất cũng như tiêu thụ ximăng. Cụ thể, than từ năm 2011 đến nay đã tăng 170%, điện tăng 19%, dầu tăng 40%. Đặc biệt, lãi suất ngân hàng quá cao, chênh lệch tỉ giá lớn, tiếp cận các nguồn vốn tín dụng rất khó khăn đã làm tổng chi phí tài chính chiếm tới từ 25 - 30% giá thành sản phẩm.
Chết vì dự báo quy hoạch tăng trưởng không chuẩn. Ông Đỗ Đức Oanh - Tổng Thư ký Hiệp hội Ximăng Việt Nam - đã khẳng định như vậy và cho rằng đây là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng cung vượt cầu. Quy hoạch phát triển ngành ximăng giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 nhưng lại được xây dựng trên nhu cầu tăng trưởng 10 - 15%/năm thời điểm 2006 - 2010. Theo ông Oanh, ở giai đoạn năm 2005 - 2010 thì việc đầu tư phát triển nhà máy ximăng là hoàn toàn chính xác. Sản lượng tiêu thụ ximăng cả nước tăng đều qua các năm, thậm chí còn xuất khẩu. Tuy nhiên, bất ổn ở chỗ quy hoạch dự báo tăng trưởng chưa lường đến các yếu tố bất lợi như lạm phát, kinh tế sụt giảm nên bước sang năm 2011, khi sản lượng tiêu thụ giảm mạnh do lạm phát tăng cao, đầu tư công bị cắt giảm; thị trường bất động sản “đóng băng”, hàng loạt dự án dừng khởi công, dãn tiến độ... lúc ấy khó khăn mới lộ diện. |
Hiện nguồn vốn chủ yếu của doanh nghiệp ngành ximăng là vay ngân hàng với lãi suất 18 - 20%, cá biệt có trường hợp trên 20%. Khó khăn chồng chất đã đẩy các nhà máy như Nhà máy ximăng Cẩm Phả của Vinaconex, Nhà máy ximăng Hạ Long của Tổng công ty Sông Đà... đã trở thành điểm đen trong báo cáo tài chính của các Tổng công ty mẹ.
Theo báo cáo tài chính của Tổng công ty Vinaconex (mã CK: VCG) vừa được đại hội cổ đông năm 2012 thông qua, cho thấy sau ba năm hoạt động, NM ximăng Cẩm Phả có số lỗ lũy kế lên đến 1.259 tỉ đồng. Tương tự, NM ximăng Hạ Long của Tổng công ty Sông Đà đi vào hoạt động từ năm 2010 với tổng vốn đầu tư 6.468 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau hai năm hoạt động, đến nay số lỗ lũy kế của nhà máy này lên tới 982 tỉ đồng...
Để cầm cự, nhiều doanh nghiệp đã phải cho tạm dừng hoặc giảm công suất vận hành dây chuyền như Nhà máy ximăng Hoàng Thạch tạm dừng hoạt động một dây chuyền ba tháng; các Nhà máy ximăng Áng Sơn, ximăng Thanh Liêm, ximăng Thăng Long... phải dừng sản xuất.
Chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm
Trao đổi với PV chiều 26/6, ông Thiện tỏ ra không mấy lạc quan với khả năng tăng trưởng đầu ra của ximăng từ nay đến cuối năm.
Ông Thiện cho biết, thực tế tiêu thụ ximăng tháng 6 đang thấp hơn tháng 5/2012. Tình hình sản xuất của ngành ximăng phụ thuộc nhiều vào chính sách vĩ mô, nếu các công trình đầu tư công cắt giảm thì tiêu thụ ximăng cũng sẽ giảm. Nghị quyết 13 của Chính phủ với nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp nhưng cũng có độ trễ, trong khi thông thường quý III lại là mùa mưa bão nên nhu cầu tiêu thụ ximăng càng thấp, doanh nghiệp sẽ càng khó khăn hơn.
Ông Thiện cũng khẳng định, mặc dù thời điểm này các ngân hàng đều tuyên bố đồng loạt hạ lãi suất cho vay xuống mức 12 - 13%/năm nhưng cho đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào của ngành ximăng vay được vốn với mức lãi suất thậm chí ở mức 14 - 15%/năm. Khả năng trả nợ cũ của doanh nghiệp không có nên khả năng cho vay mới càng hẹp.
“Còn tại sao chúng tôi cứ tha thiết đề xuất Chính phủ giảm thuế VAT xuống còn 5% (đề xuất này không được Quốc hội phê chuẩn - PV), là vì có như thế người dân người ta mới hăng hái mua hàng, mới kích cầu tiêu dùng. Có giảm thuế VAT thì tác động của gói hỗ trợ mới lan tỏa đến cả doanh nghiệp và người dân, chứ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì với các doanh nghiệp lỗ nặng như ngành ximăng thì có thu nhập đâu mà nộp thuế” - ông Thiện nói.
Ông Thiện cũng cho rằng, trước mắt vẫn cần có giải pháp quyết liệt rà soát lại quy hoạch đầu tư phát triển ximăng theo hướng, giảm, hoãn hoặc dừng hẳn những dự án chưa đầu tư, không thu xếp được vốn. Nếu không mạnh tay thì chắc chắn tình hình dư thừa ximăng vẫn sẽ tiếp tục xảy ra trong những năm tới và việc liên tục khai tử doanh nghiệp ximăng là khó tránh khỏi.
Theo LĐ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững