Thúc đẩy 3 trụ cột để ngành công nghiệp sẵn sàng vào chuỗi cung ứng
Xuất khẩu tháng 4 bứt tốc nhờ đâu? / Logistics tuần hoàn: Chìa khóa cạnh tranh trong nền kinh tế xanh
Doanh nghiệp chưa sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Ngành công nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình sâu sắc, khi cùng lúc chịu sức ép từ hội nhập quốc tế sâu rộng, quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh ngày càng mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, xây dựng năng lực tự chủ trong sản xuất được xem là chìa khóa để Việt Nam thoát khỏi vị thế "gia công giá rẻ", vươn lên trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao của khu vực.
Tại tọa đàm “Tăng tốc chuyển đổi, hiệp lực thúc đẩy phát triển nền công nghiệp Việt Nam tự chủ – hùng cường” ngày 27/5 tại Hà Nội, ông Chu Việt Cường – đại diện Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp (Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương) nhấn mạnh, Chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ: Năng lực tự chủ sản xuất và khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu là yếu tố sống còn để công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, chủ động.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy ngành công nghiệp trong nước vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Năng lực sản xuất còn phân tán, thiếu tính hệ thống; tỷ lệ nội địa hóa ở nhiều ngành thấp. Doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào máy móc, nguyên vật liệu nhập khẩu và gặp khó trong tiếp cận công nghệ nguồn. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa có hệ thống đào tạo chuyên ngành phù hợp để đáp ứng yêu cầu mới.
Ông Lương Minh Huân – Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) cho biết, đa số doanh nghiệp Việt chưa có định hướng rõ ràng trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Khảo sát của VCCI cho thấy, có tới 64,7% doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị nào, chỉ 4,4% doanh nghiệp thực sự triển khai các hành động cụ thể. Đáng chú ý, hơn một nửa doanh nghiệp (53,54%) còn không xác định được mục tiêu khi tham gia vào chuỗi giá trị này.

Chưa dừng lại ở đó, doanh nghiệp trong nước còn gặp khó khi đáp ứng yêu cầu về thời gian giao hàng, số lượng đơn hàng và đặc biệt là các tiêu chuẩn kỹ thuật. Theo ông Huân, hơn 60% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc giao hàng đúng hạn; hơn 70% không đáp ứng được số lượng đơn hàng và trên 80% gặp trở ngại về kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc tế.
Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp thiếu kinh phí, thiếu chính sách hỗ trợ hiệu quả và thiếu kết nối trong hệ sinh thái sản xuất. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn vận hành theo tập quán kinh doanh truyền thống, khó thay đổi để thích ứng với yêu cầu của chuỗi giá trị toàn cầu.
Một dẫn chứng rõ nét cho thấy khoảng cách này là tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành công nghiệp chủ lực còn rất thấp. Ngành điện tử mới chỉ đạt mức 5–10% nội địa hóa; dệt may, da giày khoảng 40–45%; cơ khí chế tạo khoảng 30%; ngành ô tô – vốn được kỳ vọng sẽ trở thành động lực công nghiệp hóa – vẫn có tỷ lệ nội địa hóa thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Việt Nam hiện chủ yếu sản xuất các phụ tùng giản đơn như ghế, kính, lốp… trong khi các linh kiện công nghệ cao như hộp số, hệ thống phanh, ly hợp vẫn phải nhập khẩu.
Ba trụ cột thúc đẩy nội lực công nghiệp
Trước thực trạng này, ông Chu Việt Cường đề xuất ba nhóm giải pháp trọng tâm để thúc đẩy nội lực ngành công nghiệp Việt Nam.
Thứ nhất, đổi mới công nghệ và sáng tạo, trong đó cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nghiên cứu – phát triển (R&D), nâng cấp thiết bị, cải tiến quy trình và chất lượng sản phẩm. Đây là nền tảng để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước tiếp cận các chuỗi cung ứng trung – cao cấp.
Thứ hai, tăng cường liên kết ngành. Việc phát triển các cụm công nghiệp có tính chuyên môn hóa cao, thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp sản xuất ở các vùng, đồng thời gắn kết với các viện nghiên cứu, trường đại học sẽ tạo nên một mạng lưới hỗ trợ bền vững, giúp doanh nghiệp nội địa nâng cao năng lực và mở rộng thị trường.
Cuối cùng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng đáp ứng các yêu cầu của tự động hóa, số hóa và quản trị chuỗi cung ứng toàn cầu. Hệ thống đào tạo hiện nay cần được đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức để phù hợp với thực tiễn sản xuất hiện đại.
TS Nguyễn Quân – Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nhấn mạnh vai trò đồng hành của giới khoa học và công nghệ. Ông kêu gọi các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, cần mạnh dạn hợp tác với các tổ chức nghiên cứu, chuyên gia công nghệ để chuyển đổi số toàn diện và làm chủ công nghệ mới. Các tổ chức khoa học sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng cơ sở dữ liệu nội tại, tư vấn, đào tạo và triển khai các giải pháp công nghệ như AI, IoT, Big Data, Cloud, tự động hóa, những yếu tố then chốt trong công nghiệp hiện đại.
Có thể thấy, con đường phát triển nền công nghiệp Việt Nam tự chủ – hùng cường là một hành trình dài với nhiều thách thức. Nhưng nếu doanh nghiệp, cơ quan quản lý, hiệp hội, trường – viện và các tổ chức quốc tế cùng chung tay, thì “giấc mơ công nghiệp hóa thành công” của Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
End of content
Không có tin nào tiếp theo