Việt Nam nên tham khảo mô hình tăng trưởng nào cho mục tiêu quốc gia thu nhập cao?
Xuất khẩu tăng mạnh, doanh nghiệp tôm vẫn lo thách thức kép từ thuế Mỹ / Thép Việt 'thoát' thuế chống bán giá của Malaysia
Nguy cơ "kẹt" ở nấc thang thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu
Thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là điều kiện tiên quyết để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh, bền vững và bao trùm.
Theo giới chuyên gia, tuy đạt được nhiều thành tựu trong giai đoạn 2011-2025, mô hình tăng trưởng hiện tại của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, kinh tế phụ thuộc nhiều vào đầu tư và xuất khẩu. Sự chuyển đổi sang mô hình dựa trên công nghệ gặp trở ngại do nguồn nhân lực còn yếu, đầu tư cho công nghệ chưa tương xứng và môi trường chính sách chưa thực sự tạo động lực cho sáng tạo.
Tại diễn đàn "Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2045" sáng ngày 15/7 tại Hà Nội, TS Đặng Xuân Thanh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá, ba động cơ tăng trưởng của 30 năm vừa qua là lao động giá rẻ, đầu tư vốn lớn và hội nhập thị trường thế giới đang dần giảm hiệu lực. Tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào đầu tư nhưng hiệu quả sử dụng vốn ngày càng chậm được cải thiện. Chỉ số hệ số sử dụng vốn vẫn còn ở mức cao, nghĩa là cần gần 6 đồng vốn để tạo ra 1 đồng tăng trưởng.

Năng suất lao động dù được nâng lên vẫn còn thấp hơn nhiều nước trong khu vực, chỉ bằng 1/11 của Singapore, 1/5 của Malaysia và 1/2 của Thái Lan.
Các doanh nghiệp FDI đóng góp lớn cho xuất khẩu nhưng hiệu ứng lan tỏa về công nghệ sang các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam tham gia chủ yếu ở những phân khúc có giá trị gia tăng thấp.
"Kết quả là nền kinh tế Việt Nam có nguy cơ rơi vào tình trạng không trì trệ nhưng cũng chưa thể bứt phá, không còn đói nghèo nhưng cũng chưa thực sự giàu mạnh. Đây chính là dấu hiệu của cái gọi là "bẫy thu nhập trung bình" – tình trạng mà hơn 70% quốc gia đang phát triển trên thế giới vẫn chưa thể vượt qua", TS Đặng Xuân Thanh nhấn mạnh.
Trong bối cảnh thế giới đầy biến động và nhiều rủi ro như hiện nay, mô hình tăng trưởng phải được thiết kế như một cấu trúc phức hợp, đa chiều, bao gồm cả yếu tố xã hội, công nghệ, môi trường, thậm chí cả địa chính trị, và cần tính toán đến những nhân tố đang tái định hình bối cảnh phát triển hôm nay và trong những năm tới.
Nếu Việt Nam không kịp thời chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chúng ta sẽ tụt lại phía sau, mắc kẹt ở những nấc thang thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hậu quả là ngày càng xa rời mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào giữa thế kỷ này.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, phát triển là một quá trình tiến hóa, không thể nhảy vọt bằng ý chí hay một vài chính sách đơn lẻ. Trong số 134 quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 1990, đến nay chỉ có 34 nước vươn lên nhóm thu nhập cao. Trong đó, có gần 1/3 số nước được hưởng lợi từ tài nguyên dầu mỏ hoặc được hội nhập vào các cơ chế phát triển của EU.
Nên tham khảo mô hình tăng trưởng nào?
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, TS Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới cho biết, trên thế giới, chỉ có 5 quốc gia và vùng lãnh thổ có giai đoạn bùng nổ trong khoảng trên dưới 5 năm mà đạt tăng trưởng trên 10%, bao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Singapore.
Sau giai đoạn tăng trưởng cao, hầu hết các nước đều trở thành nước có thu nhập cao. Riêng Trung Quốc năm 2023 đã xấp xỉ ngưỡng thu nhập cao. Tuy nhiên, sự đóng băng thị trường bất động sản (chiếm 25%), chiến tranh thương mại và cạnh tranh nước lớn, đại dịch COVID-19 và chiến sự Nga - Ukraine đã làm nước này khó khăn hơn.
Các nước gần Việt Nam như Thái Lan, Philippines tăng trưởng chậm dù có nhiều điều kiện hơn Việt Nam, song khoảng cách tăng trưởng đã dần bị xoá nhòa.
Trung Quốc có điều kiện trong nước tốt, năng lực công nghiệp vượt trội, khả năng sớm muộn thành nước phát triển, trong khi Thái Lan, Philippines dễ sa vào bẫy thu nhập trung bình.
Về lựa chọn mô hình phù hợp cho Việt Nam, theo chuyên gia, Việt Nam hiện nay đang có những cải cách nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ, bộ máy nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.
Việt Nam nên tham khảo chuyên sâu nhất kinh nghiệm thành công và thất bại của Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc và một phần của Singapores; rút ra các bài học cải cách, thất bại của 2 nước Thái Lan và Philippines để không sa vào bẫy thu nhập trung bình, kể cả thu nhập trung bình cao. Mô hình Đài Loan ít khiếm khuyết nhất, hài hòa nhất mà Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi và cải cách.

Nhắc tới mô hình tăng trưởng Hàn Quốc và Đài Loan, TS Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, đặc điểm chính sách của Hàn Quốc là hướng ra xuất khẩu. Các doanh nghiệp tư nhân lớn đóng vai trò dẫn dắt, nhận nguồn lực từ Chính phủ để đạt mục tiêu xuất khẩu. Còn doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ đóng vai trò phụ trợ cho doanh nghiệp lớn.
Theo đó, giai đoạn cất cánh của Hàn Quốc tương đối hiệu quả, đưa Hàn Quốc đến mặt bằng công nghệ chung của thế giới, giảm dần cạnh tranh bằng chi phí để tăng cạnh tranh bằng hiệu quả.
Tiến bộ công nghệ hạn chế trong phạm vi các doanh nghiệp lớn, không lan rộng ra cả nền kinh tế, tạo ra độc quyền và hạn chế đổi mới sáng tạo. Thu hút nguồn lực tài chính và triển khai hiệu quả đầu tư hạ tầng, nhân lực.
Còn Đài Loan tăng trưởng kinh tế "thần kỳ" với đặc điểm chính sách xuất phát từ công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn, mở rộng ra sản xuất xuất khẩu. Doanh nghiệp tư nhân lớn không được ưu ái, tập trung phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, cả trong nước và xuất khẩu.
Theo chuyên gia Nguyễn Bá Hùng, để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Việt Nam trước hết cần xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo sân chơi bình đẳng cho mọi doanh nghiệp, đồng thời kiểm soát chặt chẽ ảnh hưởng của các tập đoàn lớn lên chính sách. Cùng đó, Chính phủ cần thay đổi cách thức hỗ trợ, chuyển từ việc "chọn đối tượng" sang đánh giá dựa trên kết quả thực tế, và đặc biệt ưu tiên cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) để giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn "bắt kịp" công nghệ.
Khi đã tiệm cận với thế giới, Việt Nam phải đầu tư vào nghiên cứu cơ bản để tạo ra những đột phá thực sự và xây dựng lợi thế cạnh tranh bền vững trong dài hạn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo