Đà Nẵng: Cải tạo, điều chỉnh giao thông đường Ngô Quyền – Ngũ Hành Sơn nối cảng Tiên Sa
'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Sinh viên, học viên, lưu học sinh Đại học Đà Nẵng trở lại học tập trung từ ngày 1/3/2021
Toàn bộ hàng hóa, xe container ra, vào cảng Tiên Sa đều cắt ngang nội thành Đà Nẵng
Ngày 5/3, Sở GTVT Đà Nẵng cho hay, nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường Yết Kiêu - Ngô Quyền – Ngũ Hành Sơn, đồng thời tiếp tục hỗ trợ Công ty CP Cảng Đà Nẵng duy trì hoạt động hiệu quả và tính cạnh tranh của khu bến cảng Tiên Sa, Thọ Quang, Sở GTVT Đà Nẵng đã tham mưu UBND TP thống nhất cho phép cải tạo và điều chỉnh tổ chức giao thông trên tuyến đường Ngô Quyền – Ngũ Hành Sơn.
Dự án cải tạo, điều chỉnh tổ chức giao thông trục đường Ngô Quyền – Ngũ Hành Sơn với tổng mức đầu tư 189 tỉ đồng đang được triển khai thi công.
Về đường thủy nội địa, hiện Đà Nẵng không có các bến cảng hàng hóa thủy nội địa, phương thức vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện thủy nội địa trên địa bàn cũng chưa hình thành. Luồng tuyến sông Hàn tương đối rộng, tuy nhiên hạn chế chiều cao tĩnh không, tối đa từ 5 - 9m, đặc biệt cầu đường sắt tại QL 1A (cầu Đỏ) khi triều lên chỉ còn dưới 4m; chiều rộng của cầu nơi hẹp nhất chỉ 7m (cầu Nguyễn Văn Trỗi cũ). Tuyến sông Cẩm Lệ qua cầu Đỏ hơn 1km có độ sâu rất hạn chế; ngoài ra trên tuyến sông có đập ngăn mặn nên không đảm bảo cho việc vận tải thủy.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam, do những hạn chế nêu trên nên việc kết nối giao thông của khu bến cảng Tiên Sa, Thọ Quang chỉ có thể bằng đường bộ. Nếu trước kia Bộ GTVT quyết tâm làm cầu Thuận Phước để vận chuyển hàng hóa container ra vào cảng Tiên Sa kết nối với tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây thì tình thế có lẽ đã khác, nhưng Bộ lại chọn làm cầu Tiên Sơn.
“Do chọn cầu Tiên Sơn nên toàn bộ lượng hàng hóa, xe container… ra vào khu cảng Tiên Sa, Thọ Quang nối với QL1A, QL14B… đều phải cắt ngang qua nội thành Đà Nẵng, gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn và ảnh hưởng đến môi trường du lịch, gây rất nhiều phản ứng của cộng đồng dân cư trên tuyến đường Yết Kiêu - Ngô Quyền – Ngũ Hành Sơn!” - Ông Lê Quang Nam nêu rõ.
Sở GTVT Đà Nẵng cho biết thêm, với hệ thống giao thông đường bộ kết nối đến cảng thì toàn bộ lượng hàng qua cảng Tiên Sa đều phải đi qua trung tâm TP Đà Nẵng với tổng chiều dài khoảng 19km (đến nút giao Hòa Cầm); trục đường chính là Yết Kiêu (dài 4,4km; rộng 33m) - Ngô Quyền (dài 6,06km; rộng 48m) - Ngũ Hành Sơn (dài 1,79km; rộng 48m). Trong đó, đoạn đường Ngô Quyền – Ngũ Hành Sơn có nhiều giao cắt và xung đột với giao thông nội thành.
Tháng 12/2021 hoàn thành cải tạo, điều chỉnh tổ chức giao thông trên tuyến
Trước tình hình đó, trên cơ sở đề xuất của Sở GTVT, UBND TP Đà Nẵng thống nhất cho phép cài tạo, điều chỉnh tổ chức giao thông trên tuyến đường Ngô Quyền – Ngũ Hành Sơn để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường huyết mạch Yết Kiêu – Ngô Quyền – Ngũ Hành Sơn thuộc địa bàn hai quận ven biển Sơn Trà, Ngũ Hành và tạo điều kiện tiêp tục Công ty CP Cảng Đà Nẵng hoạt động hiệu quả, đảm bảo tính cạnh tranh của khu bến cảng Tiên Sa, Thọ Quang.
Sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép lắp ghép phục vụ việc điều chỉnh tổ chức giao thông trên tuyến đường Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn.
Đồng thời tiến hành điều chỉnh tổ chức giao thông, phân làn toàn bộ xe môtô, xe máy, xe thô sơ vào đường gom và cải tạo, điều chỉnh các nút giao dọc tuyến nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Cụ thể, đường chính chỉ dành cho xe ô tô lưu thông; đường gom dành cho xe môtô, xe máy, xe thô sơ và xe ôtô có kích thước nhỏ lưu thông (cấm xe khách trên 16 chỗ và xe tải có khối lượng hàng hóa trên 2,5 tấn).
Thông tin thêm với Doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Phó Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Đà Nẵng (chủ đầu tư dự án) cho hay, theo phê duyệt của UBND TP Đà Nẵng, tổng mức đầu tư cho dự án là 189 tỷ đồng (trong đó kinh phí xây dựng 145 tỷ đồng). Công trình đã triển khai thi công từ tháng 11/2020, dự kiến hoàn thành tháng 12/2021.
Tính đến ngày 3/3/2021, các đơn vị thi công đã đổ được 789/3820 cấu kiện bê tông cốt thép lắp ghép của dải phân cách biên; 400/3423 cấu kiện của dải phân cách giữa; di dời cây xanh đạt 2.5/4.94km; di dời trụ điện chiếu sáng đạt 0.4 (chưa di dời móng)/4.94km; lắp ống luồn cáp dải phân cách giữa đạt 1.8/4.94km…
“Tuyến đường hiện tại được thiết kế đáp ứng lượng hàng thông qua cảng Tiên Sa là 10 triệu tấn/năm. Đồng thời tháng 6/2017, Bộ GTVT, UBND TP Đà Nẵng và Cảng Đà Nẵng cũng đã thống nhất lượng hàng thông qua khu bến bằng đường bộ tối đa là 10 triệu tấn/năm nhằm hạn chế ảnh hưởng đến điều kiện giao thông, môi trường đô thị, tiềm năng khai thác du lịch của TP Đà Nẵng!” – Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Thành Hưng cho biết.
Mới đây, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Nhật dẫn đầu hôm 23/2/2021, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cũng thống nhất cao với quan điểm của Bộ về tập trung khai thác hiệu quả các bến cảng hiện hữu, không đầu tư phát triển mở rộng các bến cảng tại khu bến cảng Tiên Sa, Thọ Quang nhằm giảm áp lực giao thông cho khu vực nội thị TP Đà Nẵng, đồng thời tập trung phát triển hiệu quả khu bến cảng Liên Chiểu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo