Khó hút nhà đầu tư tiềm năng nếu thiếu khu công nghiệp sinh thái
Cam kết vốn FDI đối với Việt Nam đạt hơn 11 tỷ USD / Tiếp tục tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư các dự án lớn
Rất ít khu công nghiệp sinh thái
Những năm gần đây, Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển, trong đó có chuyển đổi việc phát triển các KCN theo hướng bền vững theo mô hình KCN sinh thái.
Số liệu của Bộ KH&ĐT cho thấy, với việc chuyển đổi các KCN hiện có sang KCN sinh thái đã có 603 giải pháp sản xuất sạch hơn và hiệu quả tài nguyên được thực hiện. Trong đó 217 giải pháp đã được 88 doanh nghiệp triển khai, thông qua việc giảm tiêu thụ năng lượng, tài nguyên và vật liệu, giảm 8.910 tấn CO2/năm đã góp phần tiết kiệm 69,2 tỷ đồng/năm, tương đương 2,9 triệu USD.
“Việc chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái bước đầu đã đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, môi trường. Đồng thời huy động được nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hiện các KCN đã đóng góp vào sản lượng công nghiệp của cả nước chiếm tỷ lệ cao. Việc tổ chức thực hiện một định hướng phát triển bền vững KCN từ mô hình truyền thống hiện có sang mô hình các KCN sinh thái thực sự quan trọng và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam”, TS Phan Hữu Thắng -Chủ tịch Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam (VIPFA), nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH&ĐTđánh giá.
Tại báo cáo tổng kết 30 năm phát triển KCN, khu kinh tế của Bộ KH&ĐT đã được Chính phủ đồng ý, đến năm 2030 sẽ có từ 40% - 50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8% - 10% địa phương có định hướng xây dựng mới KCN sinh thái sẽ được thực hiện đồng thời với chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái.
Tuy vậy, Chủ tịch VIPFA cho biết, đến nay có rất ít KCN truyền thống thực hiện chuyển đổi sang mô hình các KCN sinh thái và mới chỉ đang được thực hiện thí điểm ở một số KCN.
Trong việc phát triển tăng trưởng xanh, KCN sinh thái là mô hình phát triển đúng hướng vì thu hút đầu tư gắn với tiêu chuẩn xanh. Đây là tư duy mới của các nhà hoạch định chính sách để đón dòng vốn đầu tư thế hệ mới cả trong và ngoài nước.
Các tiêu chuẩn xanh và sinh thái đặt ra cho thấy có sự chọn lọc để tiếp nhận dòng vốn và không còn thu hút FDI có chất lượng thấp như trước nữa.
Theo tinh thần tại Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị, và Nghị quyết số 58 của Chính phủ, một vài năm gần đây “chất lượng vốn được coi trọng hơn số lượng”.
Tuy vậy, hiện còn nhiều vấn đề tồn tại, bất cập như sự không đồng bộ của hệ thống pháp luật chính sách; hay do sự cẩn trọng xem xét đánh giá giải quyết các khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp nên phải xin ý kiến qua lại giữa các cơ quan quản lý. Thêm vào đó là do sự cẩn trọng khi cần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”...
“Tình trạng đó nếu không được khắc phục sớm sẽ ảnh hưởng đến kết quả thực hiện việc phát triển các KCN sinh thái trong giai đoạn tới, sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị”, chuyên gia nhận định.
Các KCN sinh thái xuất hiện sẽ tạo động lực mới để chuyển đổi KCN của cả nước theo tiêu chuẩn mới. Chi phí đầu tư hiện tại có thể cao song nếu chuyển đổi chậm thì chi phí chuyển đổi chắc sẽ còn cao hơn, từ đó sẽ làm giảm tính cạnh tranh của hàng hoá.
Việc thực hiện tiêu chuẩn xanh và KCN sinh thái còn thể hiện uy tín cao của Việt Nam trước thế giới bởi tính tích cực, chủ động hình thành KCN sinh thái. Động thái này còn góp phần thu hút hiệu quả FDI đạt tiêu chuẩn xanh, sinh thái và truyền tải thông điệp quan trọng đến các nhà đầu tư quốc tế nhất là đầu tư thế hệ mới về một môi trường thu hút đầu tư xanh, sạch, sinh thái và bền vững.
Cần sớm xác định ngay lộ trình chuyển đổi
TS Phan Hữu Thắng cho rằng, để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, đạt được mục tiêu thu hút dòng đầu tư chất lượng cao, để khát vọng trở thành quốc gia phát triển bền vững thành hiện thực, việc chuyển đổi KCN truyền thống hiện hữu thành KCN sinh thái cần có quyết tâm hành động cùng với các chính sách, cơ chế và phù hợp.
Trước hết, đầu tư cho KCN sinh thái, KCN xanh cần trở thành lựa chọn định hướng phát triển của các địa phương, của các KCN.
Thứ hai, để mô hình KCN sinh thái nhân rộng trên cả nước và phát huy vai trò tích cực đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững của quốc gia, cần sớm xác định ngay lộ trình chuyển đổi mô hình các KCN truyền thống sang các KCN sinh thái. Cần xây dựng mới các KCN sinh thái phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau, tính khả thi của từng vùng miền, địa phương và doanh nghiệp.
Thứ ba, tổ chức thực hiện thật cụ thể, sát thực tế việc chuyển đổi và xây dựng mới mô hình KCN với từng địa phương và với định hướng phát triển từng ngành, từng lĩnh vực với việc nâng cao hiệu suất, hiệu quả sử dụng năng lượng.
Cần sớm hoàn chỉnh và đồng bộ về thể chế, chính sách, mô hình phát triển và phương thức quản lý các KCN theo mô hình các KCN sinh thái. Nhà nước cần có các hỗ trợ nhất định về thuế, tài chính, đất đai… cho các đối tượng thực sự có khó khăn trong việc cần chuyển đổi mô hình khu công nghiệp từ truyền thống sang sinh thái.
Thứ tư, Việt Nam có thể học hỏi từ các quốc gia khác trong phát triển KCN, từ việc xác định định hướng phát triển KCN phù hợp ngay từ đầu với bối cảnh phát triển của quốc gia và xu thế phát triển của kinh tế thế giới.
"Trong cuộc cạnh tranh thu hút FDI toàn cầu hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ các nước phát triển với các dự án quy mô lớn, công nghệ cao mà Việt Nam đang rất cần đều đã cam kết thực hiện Net Zero vào năm 2030. Riêng Việt Nam cam kết thực hiện Net Zero vào năm 2050. Do đó, nếu Việt Nam không có đủ số lượng khu công nghiệp sinh thái sẽ mất đi cơ hội có thể thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng cùng với các dự án quy mô lớn, công nghệ cao của họ", Chủ tịch VIPFA nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo