Lý do doanh nghiệp Canada - Việt Nam nên "tấn công" thị trường của nhau?
DNVN - Canada hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam tại châu Mỹ và ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN. Tuy nhiên, tổng giá trị trao đổi thương mại giữa 2 nước mới chỉ chiếm 0,7% trong tổng kim ngạch XNK của Canada. Do đó, cơ hội đầu tư, thương mại cho DN 2 nước còn rất lớn.
Hà Tĩnh: Vũ Quang khai thác mọi tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái / Thủ tướng đồng ý nghiên cứu, lập Đề án xây dựng TP Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính khu vực
Thông tin này đã được các diễn giả chia sẻ tại Hội thảo Quan hệ thương mại Việt Nam - Canada: Đánh giá 2 năm thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - Hướng tới tương lai bền vững hậu COVID-19 do Đại sứ quán Canada tại Hà Nội phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức sáng 23/3 tại Hà Nội.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), Canada hiện là một trong những nhà xuất khẩu hàng hóa lớn trên thế giới với một số loại hàng hóa rất có tiềm năng. Và trong CPTPP thì Canada cũng là một trong những đối tác "sừng sỏ" nhập khẩu vào Việt Nam. Canada hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ và ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN. Tuy nhiên, tổng giá trị trao đổi thương mại giữa 2 nước lại mới chỉ chiếm khoảng 0,7% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Canada. Vì thế, với cơ cấu hàng hóa bổ sung cho nhau và các điều kiện sẵn có như hiện nay, dư địa cho phát triển thương mại của doanh nghiệp hai nước còn dư địa lớn.
Các diễn giả tại hội thảo.
Đánh giá về tiềm năng thị trường Canada, Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công thương) Bùi Tuấn Hoàn cho biết, Canada là thị trường rất tiềm năng với dân số 37 triệu dân. Hơn nữa, đây là quốc gia có xu hướng nhập khẩu cao. Nếu so sánh với nước Mỹ, Canada chỉ bằng 1/10 dân số nước Mỹ nhưng mức độ nhập khẩu lại gấp đôi trên đầu người. Ngoài ra, Canada có số người nhập cư chiếm 1/5 dân số, lại chủ yếu là người châu Á. Hiện tại, người Việt Nam định cư ở quốc gia này khoảng 20 nghìn người cùng với 20 nghìn du học sinh đang sinh sống ở Việt Nam...
Với những lợi thế đó, ông Hoàn cho rằng, Canada được coi là vệ tinh thu nhỏ trong việc hỗ trợ về thương mại xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Canada trong thời gian tới.
Liên quan tới vấn đề này, ông Đinh Công Thanh, Ủy viên thương mại, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam đã đưa ra một số lý do giải thích tại sao cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nên đầu tư vào thị trường Canada. Theo ông, có nhiều lý do để doanh nghiệp Việt Nam "để mắt" tới Canada, đó là quốc gia này mở cửa cho các DN và nhà đầu tư nước ngoài; Hệ thống tài khóa hợp lý và vững chắc và một nền kinh tế vững mạnh; Môi trường chi phí và thuế thấp; Lực lượng lao động cạnh tranh và chất lượng cao.
Có nhiều lý do để doanh nghiệp Việt Nam và Canada đầu tư vào thị trường của nhau.
"Là cửa ngõ của Bắc Mỹ và thế giới, Canada là địa điểm hấp dẫn cho đổi mới. Đây là một nơi tuyệt vời để sinh sống", oong Đinh Công Thanh nói thêm.
Ở chiều ngược lại ông Đinh Công Thanh, đã "điểm danh" những ngành tiềm năng tại Việt Nam cho các doanh nghiệp Canada.
Một là, nông nghiệp và thủy sản. Ngành này chiếm hơn 50% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu sang Việt Nam (372 triệu đô la Canada vào 2020).
Hai là, cơ sở hạ tầng, trong đó Việt Nam cần 317 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng giao thông (đến 2030). Tăng trưởng giá trị ngành cơ sở hạ tầng giao thông là 4,5%.
Ba là, CNTT và viễn thông. Ngành này có doanh thu 120,6 tỷ USD 2020 (tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái).
Bốn là, công nghệ sạch, bao gồm lĩnh vực quản lý rác thải, xử lý nước thải và bùn thải đô thị, năng lượng tái tạo, quản lý năng lượng, kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu, quan trắc và kiểm soát chất lượng không khí cho công nghiệp.
Năm là, hàng không - lĩnh vực hiện đang đứng thứ 5 trong các nước ASEAN và phát triển thành một ngành tiên tiến – top 4 ASEAN với 10 hãng hàng không. Lĩnh vực này gồm huấn luyện phi công, tổ bay và đội kỹ thuật; Dịch vụ bảo dưỡng và đại tu máy bay; Nâng cấp cơ sở vật chất sân bay cho quản lý không lưu; mở rộng đội bay.
Ngoài ra, theo ông Đinh Công Thanh, cộng đồng doanh nghiệp Canada cũng có thể quan tâm tới các lĩnh vực khác như giáo dục; khoa học đời sống; lâm sản và sản phẩm từ gỗ.
Việt Nam là đích đến lớn thứ hai ở ASEAN trong năm 2020 đối với nông phẩm và hải sản xuất khẩu từ Canada. Những mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp và nông phẩm hàng đầu của Canada sang Việt Nam bao gồm ngũ cốc, hạt có dầu, cá và động vật giáp xác, trái cây, thịt bò, thịt lợn và các sản phẩm sữa. CPTPP thiết lập khả năng tiếp cận miễn thuế cho thương mại hàng hóa giữa Canada và Việt Nam và làm cho những sản phẩm chất lượng cao của Canada có giá phải chăng hơn đối với người tiêu dùng Việt Nam. Sau 2 năm triển khai CPTPP tại Việt Nam, kim ngạch thương mại hàng hóa song phương Canada-Việt Nam đạt mức kỷ lục 8,9 tỷ USD năm 2020, tăng 12% so với năm trước và 37% sau hai năm Hiệp định đi vào hiệu lực bất chấp tác động đại dịch COVID-19. Tổng giá trị của của xuất khẩu Việt Nam sang Canada tăng gần 16% vào năm 2020, với sự gia tăng đáng kể đối với điện thoại di động, giày dép, đồ nội thất và hàng may mặc. Những lợi ích này sẽ tiếp tục tăng trưởng khi CPTPP mở rộng thông qua việc phê chuẩn và gia nhập của các thành viên mới. |
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo