Đầu tư

Chuỗi kinh tế tuần hoàn từ mô hình khu công nghiệp đang chuyển đổi sang sinh thái

DNVN - Quá trình chuyển đổi từ truyền thống sang sinh thái của các khu công nghiệp An Phát (Hải Dương), Nam Cầu Kiền và Deep-C (Hải Phòng) đã tạo ra hiệu quả vượt trội cho chuỗi kinh tế tuần hoàn. Những mô hình này đang tạo sức cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời, là xu thế tất yếu trong quá trình chuyển đổi xanh.

Sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp: Chìa khóa thành công cho mô hình khu công nghiệp sinh thái / Đà Nẵng hợp tác với Nhật Bản phát triển khu công nghiệp sinh thái

Đến với các khu công nghiệp An Phát (Hải Dương), Nam Cầu Kiền và Deep-C (Hải Phòng) trong chuyến đi thực tế dành cho báo chí có chủ đề “Chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái”, ngày 21/8, chúng tôi cảm nhận rõ hơn về sự chuyển mình từ những doanh nghiệp đang chuyển dần sang mô hình sinh thái. Những mô hình này đang tạo sức cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời, là xu thế tất yếu trong quá trình chuyển đổi xanh.

Nằm trong khu công nghiệp An Phát, Nhà máy số 6 – Công ty CP nhựa An Phát (An Phat Bioplastics) nổi tiếng về dây truyền sản xuất túi PE shopping, túi rác khổ lớn, túi zipper, túi food bag. Các hoạt động sản xuất đều theo hướng bền vững, tuần hoàn.

Khu công nghiệp Deep C nổi bật với hệ thống năng lượng tái tạo (điện mặt trời áp mái, điện gió); khu tổ hợp dịch vụ xã hội trong khu công nghiệp. Các công trình nơi đây đều dựa vào tự nhiên ứng phó biến đổi khí hậu.

Khu công nghiệp sinh thái An Phát sản xuất đều theo hướng bền vững, tuần hoàn.

Đặc biệt, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền với vai trò tích cực của nhà đầu tư làCông ty Cổ phần Shinecđã trở thành mô hình đang chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái thí điểm tại thành phố Hải Phòng. Tại đây, đã có hơn 1 triệu cây xanh được trồng, chiếm đến 33% diện tích đất khu công nghiệp. Hệ thống quan trắc nguồn thải tự động liên tục truyền dẫn thông tin về Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng (24/24 giờ) tất cả các ngày trong tuần.

81,4 kWh điện đã được tạo ra từ dự án điện mặt trời áp mái và được sử dụng trong vận hành khu công nghiệp Nam Cầu Kiền. 25% lượng nước thải trong khu công nghiệp sau xử lý được tái sử dụng cho mục đích tưới cây, rửa đường, giảm lượng xả ra ngoài môi trường, tiết kiệm được 6 tỷ đồng mỗi năm chi phí mua nước sạch.

65% hệ sinh thái trong khu công nghiệp được phục hồi sau khi mô hình sinh thái đang được từng bước áp dụng tại Nam Cầu Kiền. Mô hình chuyển đổi này đang được Shinec nhân rộng trên cả nước, với tổng quy mô quỹ đất lên đến 3.500 ha.

Hiện khu công nghiệp Nam Cầu Kiền có 3 chuỗi cộng sinh theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Gồm ngành luyện kim-cơ khí; nhựa và các sản phẩm từ nhựa; phụ trợ điện-điện tử. Nhờ có hoạt động kết nối doanh nghiệp cộng sinh này mà các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã thuận lợi trong tìm kiếm nguyên liệu đầu vào và trị trường cho sản phẩm đầu ra.

65% hệ sinh thái trong khu công nghiệp được phục hồi sau khi mô hình sinh thái được áp dụng tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền.

Chia sẻ với báo chí, bà Vương Thị Minh Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, trên thế giới, chuyển đổi khu công nghiệp từ mô hình truyền thống sang sinh thái đã xuất hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước. Trong khu vực, Hàn Quốc và Nhật Bản đã chuyển đổi sang mô hình sinh thái rất mạnh mẽ.

Tại Việt Nam, dưới sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và sự hợp tác từ đối tác nước ngoài, mô hình khu công nghiệp sinh thái được hình thành từ năm 2014. Việt Nam đang trong quá trình thử nghiệm sự chuyển đổi, đồng thời, nhân rộng mô hình tại một số địa phương. Mô hình này đang được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận tích cực.

Về mặt chính sách, ngày 22/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Nghị định quy định rõ về khu công nghiệp sinh thái cũng như những tiêu chí để trở thành khu công nghiệp sinh thái.

Bà Vương Thị Minh Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ngày 28/5/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý Khu công nghiệp và khu kinh tế. Theo đó, những tiêu chí cơ bản về khu công nghiệp sinh thái được giữ nguyên theo Nghị định 82/2018/NĐ-CP, nhưng làm rõ hơn về điều kiện, tiêu chí với từng nhóm đối tượng doanh nghiệp.

Cũng theo bà Hiếu, khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình chuyển đổi sang mô hình công nghiệp sinh thái là việc tái sử dụng các chất thải; tiếp cận nguồn lực về tài chính, tín dụng, ưu đãi.

“Khu công nghiệp sinh thái đòi hỏi vốn đầu tư lớn và sự cam kết mạnh mẽ của các nhà đầu tư hạ tầng. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp, khuyến khích để doanh nghiệp có động lực triển khai theo mô hình phát triển bền vững.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát, sửa đổi các văn bản pháp lý về môi trường, tài nguyên nước để khuyến khích các khu công nghiệp phát triển theo mô hình mới, trong đó có mô hình công nghiệp sinh thái. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư, phục vụ hoạt động cải thiện sản xuất cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp trong dài hạn”, bà Hiếu nói.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm