Hỗ trợ doanh nghiệp

Đà Nẵng hợp tác với Nhật Bản phát triển khu công nghiệp sinh thái

DNVN - Ngày 11/3, BQL Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng (DHPIZA) sẽ phối hợp với Hiệp hội Tài nguyên và Môi trường Yokohama (Y-PORT, Nhật Bản) tổ chức buổi họp trực tuyến nhằm thông tin đến các doanh nghiệp một số hoạt động hợp tác phát triển KCN sinh thái trong thời gian tới.

Đà Nẵng: Tôn vinh doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả / Đà Nẵng: Rà soát yếu tố gây mất an toàn đối với trẻ em tại các công trình xây dựng

Nhật Bản giới thiệu các giải pháp về bảo tồn năng lượng và quản lý môi trường

Ngày 9/3, BQL Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng (DHPIZA) cho biết, triển khai Quyết định 1099/QĐ-UBND (ngày 2/4/2021) của UBND TP Đà Nẵng ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 – 2030, DHPIZA phối hợp với Hiệp hội Tài nguyên và Môi trường Yokohama (Y-PORT, Nhật Bản) sẽ tổ chức buổi họp trực tuyến vào ngày 11/3 nhằm thông tin đến các doanh nghiệp một số hoạt động hợp tác phát triển KCN sinh thái trong thời gian tới.

DHPIZA đã tham dự cuộc họp Ban chỉ đạo Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu”

Lãnh đạo DHPIZA tham dự cuộc họp Ban chỉ đạo Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” do Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ KH&ĐT) chủ trì tổ chức tại Hà Nội ngày 25/2. (Ảnh do DHPIZA cung cấp)

Tại cuộc họp, đại diện DHPIZA sẽ trình bày Chiến lược phát triển Khu công nghiệp (KCN) sinh thái tại Đà Nẵng. Chuyên gia của Y-PORT, ông Shunsuke HIEDA sẽ giới thiệu hướng dẫn của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) về KCN sinh thái. Đồng thời đại diện Công ty Osumi Co. Ltd và Công ty Macnica, Inc (Nhật Bản) sẽ giới thiệu các dịch vụ tư vấn và các sản phẩm cho giải pháp quản lý/bảo tồn năng lượng.

Cùng với đó, hai doanh nghiệp Nhật Bản là Công ty Murata Keisokuki Service Co. Ltd và Công ty TKK Evolution Co. Ltd sẽ giới thiệu các công nghệ quan trắc để cải thiện ô nhiễm môi trường nước và không khí; các sản phẩm cải thiện tuần hoàn nước trong đường ống lò hơi, tháp giải nhiệt, chữa cháy… Tại cuộc họp cũng sẽ có phiên hỏi đáp kết hợp kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản về bảo tồn năng lượng và quản lý môi trường.

Trước đó, ngày 25/2, ông Phạm Trường Sơn- Trưởng ban DHPIZA đã tham dự cuộc họp Ban chỉ đạo Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” (sau đây gọi là Dự án) do Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ KH&ĐT) chủ trì tổ chức tại Hà Nội, với sự tham gia của các đơn vị tài trợ quốc tế, đại diện UNIDO tại Việt Nam, các bộ, ngành hữu quan và lãnh đạo BQL các KCN tại 5 địa phương đang triển khai Dự án này.

Ông Phạm Trường Sơn cho biết: Trong năm 2021, DHPIZA đã phối hợp với Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam rà soát sơ bộ các mô hình cộng sinh công nghiệp từng đề xuất trong giai đoạn 1 của Dự án. Kết quả cho thấy nhiều mô hình cộng sinh không còn khả thi do một số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề, giảm công suất.

Cần có cơ chế cụ thể khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển KCN sinh thái

Theo ông Phạm Trường Sơn, tác động của đại dịch COVID-19 đến việc xây dựng các mô hình cộng sinh chưa được dự báo trong các báo cáo nghiên cứu khả thi trước đây. Vì vậy trong thời gian đến, Dự án cần rà soát lại các mô hình cộng sinh tại KCN Hòa Khánh (là KCN ở Đà Nẵng trực tiếp tham gia Dự án), xác định các mô hình có tính khả thi nhất để hỗ trợ, khuyến khích thực hiện.

Mặt khác, ông Phạm Trường Sơn cho biết qua 4 năm triển khai Dự án, tuy hầu hết doanh nghiệp tại KCN Hòa Khánh đã tiếp cận và hiểu rõ khái niệm, lợi ích của KCN sinh thái nhưng số lượng doanh nghiệp đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất, nâng cấp công trình bảo vệ môi trường còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, ngoài các mạng lưới cộng sinh công nghiệp do tư vấn Dự án đề xuất trước đây thì hầu hết doanh nghiệp còn e dè trong việc đề xuất liên kết cộng sinh.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do chưa có cơ chế cụ thể nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện hợp tác hình thành các mạng lưới cộng sinh công nghiệp. “Để phát triển KCN sinh thái thì vấn đề cốt lõi, quan trọng nhất là cần có cơ chế cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp tham gia!” – Ông Phạm Trường Sơn nói.

Do vậy, lãnh đạo DHPIZA kiến nghị Vụ Quản lý các Khu kinh tế tiếp tục tham mưu Bộ KH&ĐT ban hành Thông tư quy định cơ chế khuyến khích, khung pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc, khiếu nại phát sinh trong và sau khi hình thành các mạng lưới cộng sinh; hướng dẫn bộ thủ tục công nhận doanh nghiệp sinh thái và KCN sinh thái, cơ quan đầu mối tiếp nhận, xử lý các vướng mắc nêu trên.

Để đẩy nhanh tiến độ Dự án trong năm 2022, ông Phạm Trường Sơn cũng đề nghị Ban Quản lý Dự án phối hợp giới thiệu, kết nối một số Quỹ tài chính xanh để các địa phương chủ động liên hệ, tham khảo định mức và quy trình cho vay. Tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh, DHPIZA sẽ tổ chức hội thảo nhằm giới thiệu một số Quỹ tài chính xanh đến các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm