Tháo gỡ khó khăn để thu hút "đại bàng" từ Mỹ đến làm tổ
Nguyên nhân nào khiến đầu tư nước ngoài giảm? / Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn gặp nhiều trở ngại
Trình bày Báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện (VNR) về thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) năm 2023 của Việt Nam tại Diễn đàn Chính trị cấp cao về phát triển bền vững của Liên hợp quốc (HLPF), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định cam kết của Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò là thành viên có trách nhiệm, đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.
Quá trình xây dựng VNR lần thứ hai của Việt Nam được tiến hành qua 10 bước với nhiều hình thức nhằm huy động sự tham gia ngay từ đầu của tất cả các bên liên quan, đảm bảo thể hiện được vai trò và tiếng nói của tất cả các bên.
Mục tiêu của VNR lần thứ hai nhằm chia sẻ về tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; những thay đổi và tiến bộ quan trọng so với VNR lần thứ nhất; những khó khăn, thách thức đặt ra và định hướng quan trọng nhằm thúc đẩy việc thực hiện SDGs trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong giai đoạn 5 năm vừa qua, toàn bộ hệ thống chính trị và cả xã hội đã nỗ lực để thực hiện SDGs với phương châm cốt lõi “không ai bị bỏ lại phía sau” và đã đạt được những thành tựu nhất định.
Bộ trưởng nêu bật 6 giải pháp mang tính xuyên suốt để Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu SDGs trong nửa chặng đường còn lại. Đó là lấy người dân là trung tâm của mọi quyết định, chính sách, hành động; xem khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là đòn bẩy quyết định thành công trong thực hiện các mục tiêu SDGs.
Cùng với đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho thực hiện các mục tiêu SDGs; tiếp tục cải thiện tính sẵn có của dữ liệu để phục vụ cho giám sát và đánh giá việc thực hiện SDGs.
Trong thời gian tham dự HLPF (từ 13-17/7), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và phái đoàn công tác đã có các buổi làm việc với các cơ quan Chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp, quỹ đầu tư, tập đoàn lớn của Mỹ.
Nội dung bàn thảo liên quan đến thúc đẩy hợp tác đổi mới sáng tạo và công nghệ; nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm và thu hút nguồn lực về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế; xúc tiến và thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao.
Phát biểu tại buổi việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: quan hệ Việt Nam và Mỹ đang ở thời kỳ rất tốt đẹp. Đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Bộ trưởng mong muốn trong thời gian tới Việt Nam sẽ thu hút được các dự án của nhà đầu tư Mỹ với chất lượng cao hơn, có giá trị gia tăng cao, liên kết và nâng cao năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam để cùng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành Việt Nam sẽ đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp Mỹ và tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư để các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, sản xuất có hiệu quả, thành công tại Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo