Chuyên gia "hiến kế" cách thu hút đầu tư nước ngoài cho Việt Nam
Phát triển năng lượng gắn với thu hút đầu tư nước ngoài: Tài sản lớn nhất là làm chính sách / Phát triển các lĩnh vực "xanh" để thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Chia sẻ kinh nghiệm thu hút đầu tư nước ngoài tại Ấn Độ, ông Indronil Sengupta - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ cho biết, Chính phủ Ấn Độ đã có nhiều nỗ lực trong việc hoạch định chính sách thu hút đầu tư theo hướng có lợi cho nhà đầu tư và tháo gỡ những nút thắt chính sách đang cản trở dòng vốn đầu tư vào Ấn Độ.
Trên thực tế, Ấn Độ không có luật cụ thể cho đầu tư nước ngoài, nhưng hàng năm Chính phủ đều có thông báo về chính sách đầu tư nước ngoài, trong đó quy định các lĩnh vực được phép đầu tư, phạm vi đầu tư và các điều kiện khác.
Các chính sách được công bố hàng năm và do đó nhanh chóng thích ứng với nhu cầu thực tế, phạm vi hoạt động đầu tư, lĩnh vực đầu tư cũng được mở rộng kịp thời.
Chính phủ Ấn Độ cũng đưa ra Đề án Khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) trong 14 lĩnh vực sản xuất chính. PLI cho phép các doanh nghiệp đủ điều kiện được mở rộng các ưu đãi về thuế và phí tới 4-6% doanh thu trong vòng 5 năm đối với các mặt hàng sản xuất tại Ấn Độ.
Để thu hút đầu tư nước ngoài, Ấn Độ đã miễn, giảm thuế cho các dự án đầu tư mới trên 100 triệu USD và thành lập khu đất cho đầu tư nước ngoài rộng 460.000 ha, gấp 6 lần Singapore và gấp 2 lần Luxembourg.
“Những kinh nghiệm trên của Ấn Độ có thể là bài học cho Việt Nam. Bên cạnh phương án thu hút đầu tư nước ngoài truyền thống với ưu đãi về thuế, nhân công giá rẻ, Việt Nam cần có chiến lược cụ thể với từng đối tác.
Không nên đưa ra những mục tiêu quá chung chung, bao quát và không nên chỉ đánh giá kết quả thu hút đầu tư nước ngoài qua tổng vốn đăng ký”, ông Indronil Sengupta khuyến nghị.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ trích dẫn số liệu mà Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam) đưa ra: tính đến tháng 12/2022, Ấn Độ có 349 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD tại Việt Nam, đứng thứ 24 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Các lĩnh vực đầu tư chính của Ấn Độ là năng lượng, thăm dò khoáng sản, chế biến nông sản, sản xuất đường, chè, cà phê, hóa chất nông nghiệp, công nghệ thông tin và linh kiện ô tô.
Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đã tăng trưởng từ 200 triệu USD năm 2000 lên mức kỷ lục mới là 15 tỷ USD năm 2022. Ước tính Ấn Độ đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 1,9 tỷ USD, bao gồm cả các khoản đầu tư qua nước thứ ba.
Ngành du lịch sẽ có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian tới trong quan hệ Việt - Ấn. Hiện có 21 đường bay thẳng với tần suất trên 60 chuyến/tuần nối các thành phố lớn của hai nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc với Mumbai, Kolkata, Chennai, Bangalore, Hyderabad, Ahmedabad...
Với các chuyến bay thẳng giữa Ấn Độ và Việt Nam của Vietnam Airlines, Vietjet và Indigo, lượng khách du lịch Ấn Độ đã tăng lên đáng kể.
“Để bắt kịp xu hướng toàn cầu, Việt Nam cần cải thiện khung pháp lý, năng lực quản trị của các cơ quan trung ương và địa phương cũng như môi trường kinh doanh. Đối với doanh nghiệp, họ không chỉ cần nâng cao năng lực của công ty, mà còn phải nâng cao kỹ năng số cho lực lượng lao động.
Có 3 lĩnh vực mà tôi cho rằng hai nước nên tập trung hợp tác để hỗ trợ phục hồi kinh tế là công nghệ, y tế và du lịch. Ấn Độ đứng thứ ba toàn cầu về sản lượng dược phẩm và thứ 14 về giá trị. Việt Nam và Ấn Độ có thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực cung cấp vật tư y tế”, ông Indronil Sengupta nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ đề nghị tăng cường hoạt động đào tạo nguồn nhân lực du lịch hai nước, bao gồm việc mở một số lớp dạy bằng tiếng Việt để thúc đẩy giao lưu ẩm thực.
Tất cả các thương hiệu khách sạn toàn cầu đều có mặt tại Việt Nam, riêng Ấn Độ chưa có chuỗi khách sạn nào. Điều này mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư Ấn Độ hợp tác với các nhà phát triển địa phương để triển khai các dự án trong tương lai.
End of content
Không có tin nào tiếp theo