Đầu tư

Việt Nam - Ấn Độ: Tiềm năng rất lớn trong hợp tác và đầu tư ngành dược phẩm

DNVN - Tại Hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư Ấn Độ - Việt Nam trong lĩnh vực dược phẩm, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện nằm trong Top 20 điểm đến thương mại Ấn Độ trong lĩnh vực dược phẩm. Việc hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực dược phẩm là ưu tiền hàng đầu của Ấn Độ.

Nhập khẩu dược phẩm cả năm 2019 sẽ chạm mốc 3 tỷ USD / Doanh nghiệp y tế, dược phẩm ‘lãi đậm’ nhờ sản xuất mặt hàng chống dịch Covid-19

Ngày 21/1/2021 đã diễn ra Hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư Ấn Độ - Việt Nam trong lĩnh vực dược phẩm do Đại sứ quán Ấn Độ phối hợp với Liên minh Xúc tiến Đầu tư Quốc tế (INVESTGLOBAL), Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Sự kiện được sự hỗ trợ của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam.

Có thể nói, ngành dược phẩm là một trong những lĩnh vực trụ cột trong tầm nhìn chung giữa Việt Nam và Ấn Độ. Sự kiện được tổ chức với nỗ lực thúc đẩy thương mại và đầu tư tạo thuận lợi cho việc kinh doanh ngành dược phẩm của Ấn Độ tại Việt Nam.

Các diễn giả thảo luận tại Hội nghị.

Các diễn giả thảo luận tại Hội nghị.

Ấn Độ được biết đến là một đất nước có ngành dược phẩm lớn thứ 3 trên thế giới về khối lượng và thứ 10 thế giới về giá trị. Bên cạnh đó, đây cũng là một đất nước cung cấp dược phẩm thuốc gốc lớn nhất thế giới. Có tới 65% tổng số loại vacxin trên thế giới được sản xuất tại Ấn Độ. Thống kê cho thấy, ngành được phẩm của Ấn Độ chiếm 42 tỷ USD, đến năm 2020 con số này đã lên đến 55 tỷ USD.

Tại sự kiện, Đại sứ cộng hòa Ấn Độ Pranay Verma cho biết, Việt Nam hiện nằm trong top 20 điểm đến thương mại Ấn Độ trong lĩnh vực dược phẩm với giá trị tiêu thụ thương mại lớn khoảng 250 triệu USD. Ông khẳng định, việc hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực dược phẩm là ưu tiền hàng đầu của Ấn Độ.

Bên cạnh đó, ngài Đại sứ của Ấn Độ cũng cho biết, cùng với việc Việt Nam đang khuyến khích sản xuất và đầu tư về lĩnh vực dược phẩm, Ấn Độ cũng đang xem xét những chính sách về dược phẩm mới để nâng cao chất lượng sản xuất trong nước và xuất khẩu. Dược phẩm hiện đang là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2019 – 2020.

Phát biểu tại hội thảo, GS-TSKH Nguyễn Mại cho biết: "Thương mại và đầu tư về dược phẩm, thuộc thế mạnh của cả hai nước, có thể thông qua hợp tác để hổ trợ lẫn nhau, phát huy lợi thế của mỗi bên, khai thác có hiệu quả tiềm năng để tăng thêm kim ngạch thương mại hai chiều và hợp tác đầu tư của Ấn Độ tại Việt Nam".

Quy mô thị trường của Việt Nam vẫn đang nổi lên với tổng giá trị ước tính là 7 tỷ USD vào năm 2019 và sẽ tăng 8% cho đến năm 2024. Trong khi các nhà sản xuất thuốc Việt Nam mới đáp ứng được một nửa tổng nhu cầu thị trường thuốc, thì hầu hết nguyên liệu để sản xuất dược phẩm hiện phải nhập khẩu.

Việt Nam cũng nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu đầu vào là thuốc. Các quy định mới mà Việt Nam ban hành và việc Việt Nam ký kết các hiệp định FTA khác nhau đã tạo ra cả cơ hội và thách thức cho các công ty dược phẩm của Ấn Độ.

Trong những năm qua, ngành dược là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và Ấn Độ. Dược phẩm và thành phần dược phẩm luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Ấn Độ sang Việt Nam.

Theo ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch hội đồng tư vấn kinh doanh Asean Việt Nam cho biết, ở thời điểm hiện tại có thể khẳng định Việt Nam là một trong những thị trường mở nhất trên thế giới, hợp tác với hơn 200 nước trên toàn lãnh thổ. Hiện nay Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam và ngược lại, Việt Nam hiện đang là đối tác thương mại đứng vị trí 18 của Ấn Độ.

Tuy nhiên, ông Khương đánh giá một trong những hạn chế của việc đầu tư từ Ấn Độ vào Việt Nam đó là hạn chế về mặt sản xuất.

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp Ấn Độ tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Gần đây, Việt Nam đã sửa đổi các quy định để doanh nghiệp Ấn Độ được tự do tham gia các gói đấu thầu cung cấp thuốc và dược phẩm cho các cơ sở y tế công lập với những doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp đấu thầu hoàn toàn căn cứ theo công nghệ và chất lượng sản phẩm, không phụ thuộc vào phạm vi địa lý.

Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng khuyến khích doanh nghiệp Ấn Độ thành lập trung tâm sản xuất dược phẩm tại TP. HCM nhưng yêu cầu các doanh nghiệp này cần tăng cường kiểm soát chất lượng. Hiện có khoảng 300 doanh nghiệp Ấn Độ đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, trong đó có nhất nhiều doanh nghiệp dược phẩm lớn như Sun Pharma, Natco, Mylan…

Các công ty dược phẩm Ấn Độ đóng vai trò chủ đạo trên thị trường thuốc Việt Nam bằng cách bình ổn giá thuốc nhập khẩu. Ấn Độ cũng là nhà cung cấp lớn thuốc API cho các nhà sản xuất khác nhau tại Việt Nam. Trong thời gian diễn ra COVID-19, Ấn Độ đã hỗ trợ Việt Nam cung cấp một số API trong đó có paracetamol để chống COVID-19 ở Việt Nam.

Thiên An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm