Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp y tế, dược phẩm ‘lãi đậm’ nhờ sản xuất mặt hàng chống dịch Covid-19

Nhờ việc sản xuất khẩu trang, trang phục phòng dịch, thuốc tăng sức đề kháng, nhiều doanh nghiệp vật tư y tế và dược phẩm có doanh thu và lợi nhuận tăng đột biến trong quý I/2020.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn được giảm thuế / 50% doanh nghiệp du lịch dự báo 'trắng' doanh thu trong quý II/2020

Danameco đầu tư thêm 6 dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế  (Ảnh: Internet)

Danameco đầu tư thêm 6 dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế (Ảnh: Internet)

Theo lý giải của các doanh nghiệp, lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước là do dịch Covid-19 bùng phát nên doanh nghiệp tập trung tăng cường sản xuất các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch.

Doanh thu tăng đột biến

Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2020 của Tổng công ty cổ phần Y tế Danameco (DNM) cho biết hãng dược phẩm này ghi nhận tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận trong giai đoạn đầu năm nay.

Cụ thể, 3 tháng đầu năm, Danameco ghi nhận 127,5 tỷ đồng doanh thu thuần, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019. Do tăng sản lượng nên chi phí bán hàng cũng tăng gấp đôi, lên 4,5 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ hơn với gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, giá vốn hàng bán cũng chiếm tới hơn 80% doanh thu thuần.

 

Tuy nhiên, nhờ doanh thu tăng mạnh nên lợi nhuận gộp từ hoạt động bán hàng thu về tăng 2,4 lần, đạt hơn 24 tỷ đồng.

Hãng vật tư y tế này ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế tăng gần 8 lần, đạt trên 10 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi ròng thu về trong 3 tháng đầu năm là 8,2 tỷ đồng, tăng 651% so với cùng kỳ. Số lợi nhuận riêng quý vừa qua của Danameco cũng đã xấp xỉ lợi nhuận trong cả năm 2019.

Tương tự, báo cáo kết quả kinh doanh quý I của CTCP Dược Hậu Giang (DHG) ghi nhận 858 tỷ đồng doanh thu, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng giống như Danameco, do gia tăng về sản lượng sản xuất thuốc nên chi phí của Dược Hậu Giang cũng tăng. Tuy nhiên, nhờ biên lãi gộp chung tăng từ 44% lên 49%, nên đã mang về 423 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng 26%.

Theo đó, hãng dược phẩm này vẫn thu về khoản lợi nhuận trước thuế là 197 tỷ đồng, tăng 29%. Lợi nhuận sau khi trừ thuế thu nhập là 177 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Đây cũng là con số lợi nhuận ròng quý I cao nhất kể từ khi cổ phiếu DHG niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2006. Cùng với đó, Dược Hậu Giang đã hoàn thành 22% chỉ tiêu doanh thu và 27% lợi nhuận cả năm 2020.

 

Lý giải cho doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh trong quý I/2020, Dược Hậu Giang cho biết do trong kỳ, công ty đã tổ chức chặt chẽ hệ thống phân phối và kết nối với khách hàng tốt. Tập trung bán các sản phẩm chiến lược và chủ lực của công ty; Triển khai tốt dự án tăng năng suất và hiệu quả sản xuất giúp tiết kiệm chi phí; Nhu cầu tiêu thụ thuốc tăng cao trong tình hình dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là các sản phẩm tăng sức đề kháng.

Một số doanh nghiệp dược phẩm khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận quý I/2020 tăng như: Dược phẩm Imexpharm tăng 11%, đạt 304 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 13%, đạt 41 tỷ đồng; Dược phẩm Hà Tây ghi nhận doanh thu 519 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ, tương đương 100 tỷ đồng; lãi trước thuế hơn 40 tỷ đồng, tăng 29%.

Nhu cầu còn rất lớn

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay dịch bệnh tại Việt Nam đã được kiểm soát, trong vòng một tuần trở lại đây không phát hiện ca dương tính với virus Covid-19. Tuy nhiên, tại các nước trên thế giới, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, nhu cầu mua khẩu trang y tế, các loại thuốc và sản phẩm chữa bệnh còn cao. Đặc biệt là nhu cầu nhập khẩu khẩu trang y tế của các nước như Mỹ, Tây Ban Nha, Canada, Nga… rất lớn.

“Đây là thời điểm vàng để các doanh nghiệp dược phẩm đẩy mạnh sản xuất, gia tăng doanh thu và lợi nhuận. Nếu các sản phẩm được các nước đánh giá tốt, sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường”, một chuyên gia đánh giá.

 

Thống kê cho thấy, hiện thị trường Mỹ có nhu cầu nhập khẩu khoảng 500 triệu khẩu trang N95, 200 triệu khẩu trang các loại, 1.000 máy trợ thở, 1 tỷ găng tay, 100 triệu bộ áo choàng y tế, 50 triệu bộ áo bảo hộ phòng dịch... từ Việt Nam.

Từ giữa tháng 2 đến nay, Danameco cũng đã tăng ca để sản xuất khẩu trang y tế. Mới đây, doanh nghiệp này đầu tư thêm 6 dây chuyền sản xuất khẩu trang do nhu cầu cấp bách về trang thiết bị vật tư y tế phòng chống dịch.

Một doanh nghiệp xuất khẩu y tế cho biết đối tác lớn từ Mỹ đang đặt hàng công ty mua 400 triệu chiếc. Một số đối tác đặt hàng khẩu trang vải và đã ký hợp đồng. Tuy nhiên, do khẩu trang vải là mặt hàng mới nên mới đây, công ty đã nhập máy móc về sản xuất, vì vậy cũng không dám nhận nhiều đơn hàng.

"Riêng lô hàng khẩu trang y tế, hiện nay công ty đã ký với một số đối tác có giá trị lên đến 42 triệu USD. Cùng với lô hàng là 6 triệu khẩu trang vải y tế. Tổng số các lô hàng này có thể mang lại 30% doanh thu cho công ty trong năm 2020", đại diện doanh nghiệp này cho hay.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp cho biết, hiện nay, các đối tác nước ngoài đặt nhiều khẩu trang vải, khẩu trang y tế và bộ đồ phòng dịch. Tuy nhiên, hiện Chính phủ chưa có hướng dẫn xuất khẩu và trong nước chưa có phòng thí nghiệm kiểm tra tiêu chuẩn CE (tiêu chuẩn hàng hoá của EU) nên doanh nghiệp nội sẽ khó phát triển dòng sản phẩm này.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm